BV “kêu” dịch sởi bất thường, Bộ bảo không
Trong khi Bộ Y tế nhận định “dịch sởi không bất thường” thì các bệnh viện kêu trời và cho rằng dịch năm nay “rất bất thường”. Giữa lúc dịch sởi đang tiếp tục hoành hành mạnh ở các bệnh viện và chưa có dấu hiệu giảm thì Bộ Y tế cũng đưa ra nhận định: Dịch đã qua đỉnh và đang “hạ nhiệt”.
Thực tế “nóng”, báo cáo “nguội”
Báo cáo ngày 8/4 của Cục Y tế dự phòng cho thấy tuần thứ 14 của năm 2014 chỉ ghi nhận 21 ca mắc sởi, tuần 13 có 110 ca, tuần 12 có 160 ca, tuần 11 có 227 ca và đỉnh điểm là tuần 10 (cách đây 4 tuần) ghi nhận 305 ca mắc. Các tuần trước đó, số mắc có xu hướng tăng dần.
Với những con số này, dịch sởi được cơ quan quản lý nhận định là đã “qua đỉnh” được 4 tuần. Nhưng thực tế tại các bệnh viện thì tình hình vẫn rất nóng.
Ngay ở khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ) thời điểm 10/4 có khoảng 210 trẻ đang điều trị (với khoảng 50 trẻ thở máy), chỉ riêng trong ngày 10/4 đã có 40 trẻ nhập viện vì mắc sởi với 3 trẻ phải thở ô xy, 2 trẻ ngừng tuần hoàn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện này vẫn tiếp nhận 15-30 bệnh nhi sởi nhập viện.
Vì vậy, khi đọc thông tin “dịch sởi đã qua đỉnh” ở thời điểm này, các bác sỹ đang trực tiếp chống chọi với sởi khá ngạc nhiên! Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết muốn khẳng định trẻ có mắc sởi hay không cần làm xét nghiệm, và số lượng trẻ mắc sởi được công bố là số trẻ đã được xác định dương tính sau xét nghiệm.
Trong khi đó, các bác sỹ trực tiếp điều trị tại bệnh viện Nhi TƯ cho biết sởi có những biểu hiện rất đặc trưng, điển hình như phát ban, sốt cao, viêm kết mạc. Vì thế, việc chẩn đoán sởi chủ yếu dựa trên lâm sàng, không nhất thiết phải xét nghiệm toàn bộ trẻ nghi mắc bệnh để xác định số lượng trẻ mắc sởi (trừ trường hợp đặc biệt).
Vì thế, con số 2.492 trường hợp trẻ được chẩn đoán xác định bệnh sởi trên cả nước (trong đó có 25 trẻ tử vong do sởi, biến chứng của sởi) được Cục Y tế dự phòng báo cáo có lẽ chưa phải con số phản ánh được chính xác tình hình thực tế. Chỉ tính riêng tại BV Nhi Trung ương, trong 4 tháng qua đã điều trị nội trú cho khoảng 1.000 ca sởi nặng.
Dịch có bất thường không?
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và ông Nguyễn Trần Hiển (Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) đều nhận định dịch sởi năm nay không bất thường.
Theo ông Phu, để xem xét vụ dịch có những diễn biến bất thường hay không cần dựa vào các yếu tố như xem các tác nhân gây bệnh có những sự biến đổi về chủng gây bệnh như biến đổi về gen, thay đổi về độc lực hay không.
Ngoài ra cần xem xét về sự lan truyền và bùng phát, mức độ nặng, nhẹ của dịch bệnh xảy ra tại cộng đồng như thế nào.
Ông Phu thông tin: Theo các chuyên gia vi rút học, các chủng vi rút sởi ở Việt Nam chưa có những biến đổi gen một cách khác biệt so với sự lưu hành của các chủng vi rút trong khu vực và không có sự gia tăng về độc lực. Việc xuất hiện, sự gia tăng bệnh sởi và một số ổ dịch thời gian qua với quy mô nhỏ, tập trung hoặc rải rác. Theo nhận định, dịch bệnh xuất hiện năm nay là do tính chất chu kỳ dịch xuất hiện sau 4-5 năm kể từ vụ dịch 2009-2010.
Ông Hiển cũng khẳng định vi rút sởi năm 2014 tương đồng với chủng virus cổ điển, không biến đổi gen và độc lực, đỉnh dịch năm 2014 cũng “thấp hơn” đỉnh dịch năm 2009-2010.
Song tại các BV, thực tế khám và điều trị lại cho thấy dịch sởi đang có những diễn biến bất thường.
Trước tiên là số trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi chiếm tỷ lệ cao, tại BV Nhi TƯ trong số bệnh nhi sởi nhập viện điều trị có khoảng 30-40% là trẻ dưới 9 tháng – đây là đối tượng chưa kịp đến độ tuổi tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế thì đã mắc bệnh.
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở khoa Nhi – BV Bạch Mai. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – trưởng khoa cho biết có trường hợp trẻ mới 24 ngày tuổi đã bị sởi, như vậy là bất thường.
Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, so với dịch sởi năm 2009, dịch sởi năm nay ghi nhận sự gia tăng mạnh của trẻ ở lứa tuổi nhỏ. Đợt dịch năm 2009, số trẻ dưới 1 tuổi mắc sởi chỉ khoảng 8% nhưng năm 2014 tăng gấp đôi (16%). Số trẻ 1 tuổi mắc sởi năm 2009 khoảng trên 4% song năm 2014 là gần 14%.
Ngoài ra, PGS Dũng cho biết bình thường bệnh nhân sởi chỉ gặp biến chứng viêm phổi sau khi ban sởi đã bay nhưng dịch sởi năm nay có đặc điểm là viêm phổi diễn biến rất nhanh, virus tấn công trực tiếp vào phổi gây biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm. Tại BV Nhi TƯ, trong vụ dịch năm 2009-2010 kéo dài gần 1,5 năm chỉ ghi nhận trên 100 trường hợp mắc bệnh mà không có trường hợp tử vong. Song năm nay, dịch mới có 4 tháng đã có 1.000 trẻ phải điều trị nội trú với 25 trẻ tử vong.
Con số này được ông Lê Thanh Hải – GĐ BV Nhi đánh giá là cao hơn nhiều so với các năm trước, cho thấy sự bất thường của dịch. Trên thực tế, nhiều trẻ mắc sởi năm nay đồng nhiễm các vi rút khác khiến bệnh viện phải sử dụng các kỹ thuật cao để cứu chữa, chi phí tốn kém.
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương (có 40 năm trong nghề) nhận định ông chưa thấy dịch sởi năm nào diễn biến phức tạp và nặng nề như vụ dịch năm nay.
Vào những năm 70 của thế kỷ trước ông từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng nhưng năm nay dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng, dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Cột tin quảng cáo