Thị trường

Cá bò không sạch vì kinh doanh “bẩn”

Giới truyền thông và cộng đồng mạng mấy ngày qua đẫ đăng tải thông tin, phát tán đường dẫn về một phóng sự được cho là của nhóm PV Đài MBC của Hàn Quốc thực hiện sau chuyến đến Việt Nam điều tra việc chế biến cá bò xuất khẩu không đảm bảo vệ sinh.
 

Thông tin và hình ảnh gây ấn tượng, làm hoang mang dư luận, đã có hiện tượng tẩy chay sản phẩm cá bò Việt Nam không chỉ ở Hàn Quốc. Liệu đó có phải là sự thật?


Không lạ với “tiểu xảo”


Cá bò khô, tẩm gia vị - mặt hàng thuỷ sản khoái khẩu có xuất xứ tại Việt Nam hầu hết được sản xuất tại Khu công nghiệp thuỷ sản Thọ Quang, TP.Đà Nẵng và một số ít cơ sở công nghiệp tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Thị trường xuất khẩu truyền thống loại sản phẩm này là Hàn Quốc.
 


Tuy vậy, khi chúng tôi thông tin về dư luận chê trách công nghệ chế biến bẩn cá bò Việt Nam được phát tán trên mạng Internet, báo chí... thì các chủ doanh nghiệp thuỷ sản Đà Nẵng lại tỏ ra: “Không có gì bất ngờ”.

Giám đôc Công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước - ông Trần Văn Lĩnh cho biết, doanh nghiệp này từng thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm cá bò sang Hàn Quốc. Tuy nhiên hiện nay đã chấm dứt việc giao thương với thị trường Hàn Quốc và cũng không còn chế biến cá bò.


Nguyên nhân chính được ông Lĩnh cho là thị trường Hàn Quốc không hấp dẫn. Các đối tác nhập khẩu hàng các sản phẩm cá bò ở Hàn Quốc thất tín, chậm trả và thường xuyên quỵt nợ. Nhưng điều không đáng làm ăn với họ là hành vi vi phạm pháp luật. Họ thường đặt cọc tiền trước, đề nghị xuất hoá đơn thấp hơn nhiều lần so với giá trị thật của lô hàng để trốn thuế (ở cả hai nước), số còn lại họ trả bằng tiền mặt hoặc để nợ rồi...”xù”.


Nghiêm trọng hơn, họ thường tạo dựng những vụ việc không có thật để o ép giá, gây khó cho doanh nghiệp Việt Nam, buộc thay đổi mẫu mã... Nay xuất hiện các phóng sự phê phán việc chế biến không đảm bảo vệ sinh để lu loa không nhằm mục đích gây khó cho các đơn vị chế biến, xuất khẩu cá bò để rồi họ ép giá bán. Việc này không lạ với giới kinh doanh, chế biến thuỷ sản xuất khẩu như chúng tôi.


Cá bò bẩn bị tố trên mạng là sự thật


Cũng ông Trần Văn Lĩnh cho biết, phóng sự của đài truyền hình Hàn Quốc tố cáo việc sản xuất cá bò bẩn là đúng sự thật. Nhưng, việc chế biến đó không nằm trong các Công ty, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thuỷ sản của miền Trung và cả nước.

Đó là hình ảnh được ghi tại các hộ sản xuất tư nhân, trong khu dân cư... Giám đốc Công ty TNHH thương mại tổng hợp Phước Tiến - ông Đỗ Anh Tuấn cũng phản ánh thực trạng kinh doanh không lành mạnh ở thị trường Hàn Quốc như ý kiến của ông Lĩnh.

Theo ông Tuấn, Công ty Phước Tiến hiện vẫn kinh doanh mặt hàng cá bò xuất khẩu, song đã chuyển sang thị trường Nhật Bản dù nhiều đối tác Hàn Quốc vẫn còn nợ Công ty này cả trăm ngàn USD.


Có quá nhiều chú rể Hàn sang quê vợ ở miền Tây Nam Bộ kinh doanh theo kiểu thiếu văn minh. Họ qua Việt Nam thu mua gom cá bò trực tiếp từ các cơ sở nhỏ lẻ, không đủ các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Họ tận dụng điểm yếu ấy để rồi hù doạ, o ép giá nhằm đạt lợi nhuận cao.

Việc tung hình ảnh cơ sở chế biến mất vệ sinh như hiện nay là sự thật. Với tư cách Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Đà Nẵng, ông Tuấn phát biểu, để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính, cần phải có tiếng nói phản biện, cảnh báo cho các doanh nghiệp biết cách phòng ngừa với các đối tác, thị trường kinh doanh không lành mạnh.


Hành động đó bao gồm cả việc lên án, tố cáo các cơ sở chế biến sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, bất kỳ cơ sở ấy ở đâu. Hiện tượng kêu gọi tẩy chay, vu khống cá bò Việt Nam ở Hàn Quốc sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính tại miền Trung, Việt Nam.

Các đối tác khi mua sản phẩm, họ có quy trình kiểm tra sản phẩm nghiêm ngặt, từ tham quan xưởng sản xuất, công nghệ đến kiểm định chất lượng từng lô hàng... Vì vậy, chúng ta không lo ngại bị ảnh hưởng bởi những tin đưa không đúng bản chất sự việc như hiện nay.   
  

Không có việc đình chỉ nhập khẩu sản phẩm thuỷ sản khô từ Việt Nam vào Hàn Quốc. Ngày 23/11, phóng viên Lao Động đã liên hệ với Ban Kinh tế - Đại sứ quán Hàn Quốc và Cơ quan xúc tiến thương mại Hàn Quốc (Kotra) tại Việt Nam. Cả hai cơ quan trên đều cho biết không hề tiếp và hướng dẫn đoàn phóng viên Hàn Quốc nào đến thực hiện điều tra về vụ việc liên quan đến cá bò khô ở Việt Nam.

Nguồn tin từ Kotra khẳng định “nếu nhóm phóng viên không thông qua Đại sứ quán và Kotra thì đó sẽ không phải là nguồn tin chính thức. Có thể cuộc điều tra được thực hiện chỉ là nhằm bảo vệ quyền lợi của một nhóm hiệp hội hoặc một nhóm Công ty thương mại nào đó liên quan đến sản phẩm cùng loại”. Ngoài ra, Kotra khẳng định chưa hề nhận được thông tin nào về việc Hàn Quốc đình chỉ việc nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm thủy sản khô của Việt Nam.

    P.T

      

Theo LĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo