Xã hội

Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung: Có "yếu tố độc cực mạnh"

(DNVN) - Trong cuộc họp, lãnh đạo 2 Bộ và 4 tỉnh đã loại trừ yếu tố bệnh truyền nhiễm, virus hoại tử thần kinh và đưa ra giả thiết độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung.

Theo tin tức trên báo VnExpress, chiều 23/4 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng lãnh đạo 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổ chức thảo luận đánh giá tình hình cá chết hàng loạt thời gian qua.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho hay, kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Phân tích 18 mẫu vi khuẩn, 18 mẫu virus cũng thể hiện đây không phải tác nhân gây hiện tượng cá chết. Tỉnh Quảng Bình kết luận nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm tại Hà Tĩnh theo dòng hải lưu Bắc cực - Xích đạo đẩy vào Quảng Bình.

 Khả năng cá chết do bệnh truyền nhiễm được loại bỏ. Ảnh: báo An Ninh Thủ Đô

Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xác định độ pH vùng đầm phá và ven biển tăng, thay đổi đột ngột là nguyên nhân khiến cá chết. Ngoài ra, tảo phát triển mạnh, kết hợp với độc khí ở đáy lồng tích tụ bốc lên khi nhiệt độ tăng cao trong thời điểm giao mùa dẫn đến thiếu oxy cục bộ làm cá chết nhanh.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định không có mầm bệnh truyền nhiễm khiến cá chết, mà do một yếu tố độc tố rất mạnh từ môi trường. Độc tố đó có thể là yếu tố về sinh học, hóa học, kim loại từ bên trong một cơ sở nào đó xả ra. 

Tại cuộc họp, trước thông tin cho rằng đường ống xả thải khổng lồ của công ty Formosa chạy ngầm dưới đáy biển là trái phép, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT - khẳng định đường ống xả thải của Formosa là có phép.

Cũng theo ông Nhân ngày 16/7/2014 công ty Formosa có văn bản đề nghị xây dựng đường ống xả thải làm mát ra vịnh Sơn Dương với chiều dài 1.300 m, đường kính 1,2 m, cách mặt biển 12 m. Đường ống có 9 lỗ xả dọc theo chiều dài, đường kính mỗi lỗ 0,3 m. Sau khi nghiên cứu, Bộ Tài nguyên đã cho phép đơn vị này xây dựng đường ống tại công văn ngày 26/8/2014.

Hệ thống đường ống xả thải của công ty Formosa công khai chứ không phải giấu diếm. Theo quy định trước khi Formosa xả thải thì toàn bộ nước thải phải được xử lý.

 

Ônh Nhân cho biết thêm quy trình xử lý hệ thống xả thải làm mát ra vịnh Sơn Dương vận hành như sau: Nước thải đấu nối vào bể chứa để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước thải; sau đó chảy sang một bể chứa khác. Tại đây có một trạm quan trắc tự động để kiểm tra trước khi xả theo đường ống ra ngoài biển. Tuy nhiên, hiện tại ông Nhân chưa rõ số liệu quan trắc đã được đấu nối với Sở Tài nguyên của tỉnh hay chưa, theo báo An Ninh Thủ Đô.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết thêm: Việc được phép xả thải, được phép chạy đường ống ngầm với việc nước thải đó có chất gì gây hại môi trường hay không, hai chuyện đó khác nhau. Việc này đang được kiểm tra.

Trước đó, theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng cục nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT, cá chết xuất hiện lần đầu tiên đầu tiên ở xã Kỳ Lợi, rồi đến Kỳ Hà, Kỳ Ninh thuộc thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Đến ngày 10/4, thì một số ao nuôi tôm ở xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh xuất hiện tôm chết đồng loạt do bơm nước biển. Từ ngày 14-16/4 lần lượt xuất hiện cá biển chết tấp vào bờ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Cơ quan chức năng đã thu giữ 42 mẫu cá. Các mẫu này đã gửi đi kiểm tra. Đồng thời, Tổng cục hướng dẫn, khuyến cáo người dân không dùng cá chết làm đồ ăn cho người, cho vật nuôi.

Theo ông Như Văn Cẩn, tình trạng cá chết bất thường ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt các ngư dân và những hộ dân kinh doanh thủy hải sản. Hiện tại người dân gặp rất nhiều khó khăn sau khi cá nuôi, cá tự nhiên chết đồng loạt.

Nên đọc
Thu Phương (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo