Xã hội

Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung: Formosa thách thức người dân?

(DNVN) - Liên quan đến vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung, đại diện Formosa cho rằng phải lựa chọn hoặc nhà máy hoặc cá tôm cho thấy Formosa đang thách thức người dân.

Tin tức trên báo Dân trí, ngày 25/4, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi trả lời báo chí về hiện tượng không có sinh vật biển: tôm, cá...sống xung quanh khu vực xả thải nhà máy này đã nói rằng:" Nhiều khi mình không được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái nhà máy thép hiện đại".

Người dân tỉnh Quảng Bình dọn dẹp cá chết trôi vào bờ - Ảnh: Người lao động.

Trả lời Dân trí về phát ngôn trên của Giám đốc đối ngoại Formosa Hà Tĩnh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Đây là tuyên bố đầy thách thức và xúc phạm".

"Tôi phản đối tuyên bố đầy thách thức và có tính chất đầy xúc phạm đến đất nước Việt Nam của vị giám đốc doanh nghiệp trên. Dù chúng ta chưa có kết luận chính xác vụ việc, nhưng việc một doanh nghiệp tuyên bố như vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta cho phép Formosa đầu tư nhưng cũng yêu cầu họ phải đảm bảo các điều kiện sống cho tự nhiên, cho thế hệ mai sau", ông Doanh cho hay. 

Trao đổi kỹ hơn với Dân trí, TS Lưu Bích Hồ nói:"Kinh nghiệm và thực tế của tôi khẳng định rằng: Nhà máy gang thép, điện hạt nhân nằm ven biển không phải là cái gì to tát mà phải đánh đổi. Việt Nam không phải trường hợp đầu tiên nên chúng ta không phải chọn cách trả giá".

"Gang thép chưa phải là cái gì ghê gớm, tôi từng đi qua Nhật Bản, họ xây dựng nhà máy điện hạt nhân ven biển, xả nước thải qua xử lý ra biển nhưng người dân vẫn thoải mái tắm ở nguồn nước đó, thậm chí họ còn nói nước thải ấy có thể sinh hoạt được. Đấy, nước thải nhà máy điện hạt nhân, nước thải có chứa chất phóng xạ nhưng họ đã xử lý tận gốc trước khi xả ra tự nhiên", ông nói.

Vị chuyên gia này nói thêm: "Tôi cho rằng, chúng ta đã cho phép Formosa xây đường ống xả thải là đã tin tưởng họ thì họ cũng phải tuân thủ các quy định và yêu cầu của Việt Nam. Phải có nhà máy thép và có cá tôm bình thường như lâu nay chúng ta vẫn làm".

 

Theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết trên báo An ninh thủ đô, ông cho rằng, Giám đốc đối ngoại của Formosa nói tiếng Việt khá sõi chứng tỏ phát biểu của người này là thật. Nếu họ đã diễn đạt đúng ý cần nói, buộc Việt Nam phải lựa chọn, hoặc cái này, hoặc cái kia thì quá chủ quan, thiếu hiểu biết về nhận thức, về trách nhiệm, đặc biệt là với tư cách đại diện của doanh nghiệp lớn như Formosa.

"Theo tôi biết thì tiêu chuẩn phát thải và trách nhiệm của Formosa được quy định khá rõ ràng trong các văn bản của Bộ Tài nguyên- Môi trường. Khi có vấn đề gì liên quan, họ phải dừng lại mà khắc phục, kiểm tra kiểm soát trên cơ sở pháp luật Việt Nam. 

Tuy nhiên, ông Chu Xuân Phàm nói như thế là phủ nhận hết trách nhiệm, cam kết mà ông ấy được biết. Ông ấy tự đánh giá Formosa quá cao, 10 tỷ đầu tư của Formosa không thể bằng GDP hay kinh tế biển của Việt Nam, và đời sống của hàng triệu người dân.

 Formosa đang là tâm điểm chú ý, các nước cũng đều theo dõi động thái của doanh nghiệp này tại Việt Nam nên trách nhiệm của doanh nghiệp này sẽ được các nước xem xét một cách nghiêm túc. Theo tôi, nếu đại diện Formosa phát ngồn sơ xuất thì cần xin lỗi, còn nếu nghiêm túc thì phải xử lý theo pháp luật.", ông Phong nói.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo