Cá ngừ “thất trận”
Nhiều năm trở lại đây, cá ngừ đại dương là sản phẩm có máu mặt” trên thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Năm 2012, cá ngừ của Việt Nam đã có mặt tại 96 thị trường, đạt 569,4 triệu USD, tăng 50,1% so với năm 2011.
Giá sụt giảm trầm trọng
Thời gian qua, đời sống ngư dân các vùng biển Khánh Hòa, Phú Yên đã có nhiều cải thiện nhờ khai thác thế mạnh của biển. Đặc biệt, từ khi thị trường thế giới ưa chuộng sản phẩm cá ngừ đại dương.
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), những tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ có chiều hướng tăng mạnh. Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đạt 57 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước chiếm 37% tỷ trọng; tiếp đến là thị trường EU, đạt 32 triệu USD, tăng 37%, chiếm 21% tỷ trọng và thị trường khối ASEAN đạt 9,4 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dù đánh giá đây là mặt hàng có nhiều tiềm năng trong xuất khẩu, song gần đây, một số thị trường lớn của ta như Nhật Bản, Mỹ… đang có dấu hiệu thụt lùi.
Đặc biệt, giá cá ngừ tại "thủ phủ” Phú Yên, Khánh Hòa đang ở chiều hướng ngày càng sụt giảm. Hiện là mùa khai thác chính vụ cá ngừ đại dương, nhưng khoảng 2 tháng nay, giá cá thương phẩm liên tục giảm. Nếu như đầu tháng 3, giá cá ngừ tại Khánh Hòa được thương lái thu mua dao động ở mức từ 60.000-65.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 50.000-55.000 đồng/kg.
Thậm chí, giá mua tại bến có thời điểm còn bị thương lái ép xuống mức 20.000 – 40.000 đồng/kg với lý do chất lượng kém. Người đi câu cá ngừ chưa kịp vui đã lại quay quắt vì cá ngừ rớt giá.
Mặt trái của sự tự phát
Nguyên nhân giá cá ngừ đại dương sụt giảm và xuất khẩu cũng có chiều hướng chững lại được các chuyên gia trong ngành thủy sản mổ xẻ rằng, nhằm giảm chi phí và tăng năng suất, hiện nay nhiều ngư dân đã sử dụng phương pháp dùng đèn cao áp để dẫn dụ cá. Cách này, theo giới chuyên gia, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cá xuất khẩu.
Một số DN chuyên chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương cũng đưa ra nhận định, cá ngừ đại dương khai thác bằng phương pháp mới không đảm bảo chất lượng nên DN xuất khẩu không thể mua với giá cao. Trong khi đó, với việc sử dụng phương pháp mới này, lượng cá ngư dân bắt được tăng nhiều lần so với cách cũ và không tiêu thụ kịp thời khiến giá cá ngày càng bị đe dọa là sẽ giảm hơn nữa.
Một chuyên gia ngành thủy sản lý giải: Trước đây, đánh bắt cá ngừ đại dương được thực hiện bằng cách câu ở độ sâu 70 - 100m, với cách câu này, năng suất không cao nhưng cá chất lượng tốt, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu. Hiện tại, hầu hết ngư dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã chuyển sang đánh bắt bằng đèn cao áp chiếu sáng, tức là chiếu đèn xuống nước ở độ sâu 30 - 50m, để cá ngừ đại dương tập trung đến, rồi dùng câu tay để bắt. "Với kiểu đánh bắt này, sản lượng tăng cao, cá ngừ lúc mới bắt lên trông tươi ngon, song chỉ sau đó vài ba tiếng đồng hồ, chất lượng xuống cấp trông thấy” – vị chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, bên cạnh nguyên nhân nói trên, theo ông Võ Thiên Lăng, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, hiện, các đội tàu khai thác cá ngừ của Việt Nam chủ yếu được thiết kế thô sơ, vỏ bằng gỗ, trang thiết bị phục vụ bảo quản cá chưa được chú trọng, nhiều tàu không có máy sản xuất đá vảy và hệ thống làm lạnh; hầm bảo quản chủ yếu ốp xốp và phủ bạt… Chính việc khai thác với công cụ còn thô sơ, tàu nhỏ, hầm chứa cá chật hẹp, lại sử dụng đá lạnh non nên khó có thể giữ được độ lạnh giúp cá tươi lâu.
Những bất cập nói trên đang trở thành những thách thức không nhỏ, khiến cá ngừ đại dương khó có thể "vẫy vùng” nơi biển lớn. Được biết, trước thực trạng này, Vasep cũng đang có nhiều động thái nhằm giúp cho ngành xuất khẩu cá ngừ bước qua thời kỳ khó khăn hiện nay. Cụ thể, theo lãnh đạo Vasep, Hiệp hội đang cùng một số tổ chức quốc tế xây dựng hệ tiêu chuẩn Hội đồng Quản lý biển (MSC) cho khai thác cá ngừ bền vững đồng thời nỗ lực hợp tác quốc tế trong chuyển giao đóng tàu composite công suất 200 - 300 CV với trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao khả năng của các tàu đánh bắt cũng như tăng cường bảo quản chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, Vasep cũng khuyến cáo, việc cần làm trước tiên để đảm bảo được chất lượng cá ngừ không xuống cấp, đó là ngư dân cần sớm trở về với cách câu truyền thống thay vì ồ ạt câu tay bằng đèn cao áp theo hướng tự phát như hiện nay. Bởi, khi chưa có kết quả nghiên cứu về việc sử dụng phương pháp này có ảnh hưởng đến chất lượng cá hay không, song thực tế diễn ra đang cho thấy, những cách làm tự phát của ngư dân đang trực tiếp làm phương hại đến lợi ích của chính mình, sau đó phương hại đến lợi ích của cả nền kinh tế.
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo