Cá nhân sẽ được vay nước ngoài
Sáng 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
Việc ban hành pháp lệnh này được cho là sẽ góp phần quan trọng giải quyết tình trạng “đô la hóa” và “vàng hóa” của nền kinh tế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại hối.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết vẫn có hai loại ý kiến về chống tình trạng đô la hóa.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như quy định tại điều 8 pháp lệnh hiện hành, không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng hạn chế bớt các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân để thực hiện mục tiêu hạn chế tình trạng đô la hóa.
Theo quan điểm của Ủy ban Kinh tế, các quyền của cá nhân quy định tại pháp lệnh hiện hành được xác lập phù hợp với quy định về quyền sở hữu tài sản của cá nhân tại Bộ luật Dân sự bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.
“Việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến lợi ích của từng người dân và tổ chức kinh tế, có thể tác động tiêu cực đến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng như ảnh hưởng đến lượng chuyển tiền kiều hối về Việt Nam hàng năm”, Chủ nhiệm Giàu nhấn mạnh.
Bởi vậy, cơ quan thẩm tra nhất trí không hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân. Đồng thời giao Chính phủ xây dựng đề án có lộ trình chống tình trạng đô la hóa.
Liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, dự thảo pháp lệnh đã được sửa đổi theo hướng giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các hoạt động chuyển vốn hợp pháp (bao gồm cả tiền đặt cọc và ký quỹ…)
Dự thảo cũng không hạn chế cá nhân vay và trả nợ vay nước ngoài như một số ý kiến đề nghị, nhưng giao Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này, ông Giàu cho hay.
Về đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế, dự thảo cũng đã thể hiện quy định người cư trú là cá nhân nước ngoài được mở và sử dụng tài khoản đồng Việt Nam tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vẫn cảm thấy băn khoăn, ông nói khi tiếp xúc cử tri nước ngoài nghe bà con người Việt đang sống ở nước ngoài phản ánh là chuyển tiền về Việt Nam đầu tư rất dễ, song khi làm ăn có lãi rồi muốn chuyển tiền ra nước khác để làm ăn lại vô cùng khó khăn. Ông đề nghị quy định sửa đổi phải cởi mở với những trường hợp này.
"Nói chuyển tiền về dễ thì không đúng lắm, vì nước bạn kiểm soát chặt chẽ gấp trăm lần Việt Nam", Thống đốc Nguyễn Văn Bình giải thích. Còn về chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư, theo ông Bình, sửa pháp lệnh lần này chính là tạo cơ sở pháp lý để có thể triển khai thuận lợi hơn.
Nhấn mạnh rằng tình trạng vào dễ ra khó như cử tri phản ánh là có thật, đến các vị đại sứ còn phải kêu, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu thủ tục trong nước phải cải cách, chứ đừng để khi hướng dẫn thực hiện lại làm khó thêm.
“Tinh thần là luật pháp phải tạo điều kiện cho người ta làm ăn, cứ chặn đủ kiểu để người ta không làm ăn được là không được đâu, cứ theo kiểu bắt nhầm còn hơn bỏ sót thì chỉ có anh ngay ngắn là chết thôi”, ông Hùng nói.
Ông lưu ý, Thống đốc phải luôn luôn đặt mình là nhà đầu tư, vì có thể quy định nước ngoài chặt thật, nhưng “nói một là một, còn ta nói một là một rưỡi”.
Công Duy
Theo Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo