Tin tức - Sự kiện

Các giáo viên bị mất việc ở Đắk Lắk làm đủ nghề để sống

Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, các giáo viên phải làm nương rẫy, bán cháo ở vỉa hè, chăn nuôi..., thậm chí bỏ nghề.

Ngày 12/3, hơn 200 giáo viên tại huyện Krông Păk (Đắk Lắk) nhận thông báo tạm ngưng chấm dứt hợp đồng từ UBND huyện nhưng vẫn chưa hết lo lắng cho số phận của mình. 

Xin nghỉ không lương vì tiền quá thấp

Vợ chồng thầy Nguyễn Huy Tâm (37 tuổi) và Trần Thị Nga (32 tuổi, cùng dạy tại Trường THCS Vụ Bổn) cho biết đầu năm 2009, cả hai được ký hợp đồng nằm trong diện chỉ tiêu biên chế. Về công tác tại trường được 7 năm, họ bất ngờ khi nhận được tin ký lại hợp đồng với mức lương chỉ hơn một triệu đồng mỗi người.

"Do lương thấp nên tôi phải xin nghỉ không lương để ra ngoài bươn chải lo cho cuộc sống gia đình. Còn vợ vẫn bám trụ tại trường để mong có cơ hội vào biên chế. Tuy nhiên, làm một thời gian vợ cũng xin nghỉ không lương với lý do tương tự", thầy Tâm nói.

Người vợ sau đó phải sang tận tỉnh Gia Lai làm thuê nương rẫy cho người thân, còn anh Tâm ở nhà chăn nuôi và lo cho hai con nhỏ ăn học. "Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vụ việc và cho chúng tôi đi dạy lại để ổn định cuộc sống", anh Tâm buồn bã nói.

Các giáo viên lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của mình . Ảnh: Quốc Thịnh.

Tương tự, cô Hồ Thị Ngọc Dung, giáo viên Ngữ văn tại Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn), cho biết chồng làm nông, còn mình nhận lương một triệu đồng mỗi tháng nên hết sức khó khăn. Do đó, mỗi sáng cô phải nấu cháo dinh dưỡng đưa ra vỉa hè bán kiếm thêm thu nhập để phụ chồng nuôi con, chiều lên lớp dạy.

"Nhiều người nói đi dạy thì hơi đâu mà bon chen. Nhưng, họ đâu có biết cuộc sống của giáo viên cực khổ cỡ nào. Chưa bao giờ phận giáo viên lại chua xót như vậy, lương thua cả công nhân lao động", cô nghẹn ngào.

Theo nữ giáo viên này, mấy năm trước, đường ở xã Vụ Bổn rất xấu, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì đường trơn, nhiều khi đến lớp quần áo lấm lem bùn đất vì té. Nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ nên chị vẫn vượt qua tất cả khó khăn để bám trụ với lớp. 

"Đường đến trường lúc đó chưa có cầu, mỗi lần đến lớp là mỗi lần đánh đổi mạng sống. Giờ đứng trước nguy cơ mất việc, nghĩ lại thấy xót xa quá, mình chôn vùi cả tuổi trẻ nơi đây mà nhận được kết cục mặn đắng", cô chua xót.

Các giáo viên cho biết, đi dạy gần chục năm nhưng do "kinh phí Nhà nước không bố trí" nên họ bị cắt lương, chỉ còn nhận tiền theo tiết dạy. Có người mỗi tháng chỉ được mấy trăm nghìn không đủ tiền xăng đến lớp nhưng do nuôi hy vọng mà bám trụ, cũng có người chịu không thấu đã phải nghỉ ngang.

 

Thầy Nguyễn Tuấn Anh, giáo viên Tin học, về giảng dạy tại trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai năm 2015. Sau hai năm dạy hợp đồng, thầy cùng 21 giáo viên khác được lãnh đạo trường mời lên yêu cầu ký lại hợp đồng thời vụ, với mức lương 1,5 triệu đồng một tháng. Trừ 32,5% tổng lương để đóng các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn được nhận hơn một triệu đồng.

"Với số tiền không nuôi nổi bản thân và gia đình, tôi cùng nhiều thầy cô buộc phải rời trường đi kiếm việc khác. Giờ chúng tôi không đi dạy nên ở nhà ai gọi gì cũng làm, một số phải xa quê cầu thực", thầy ngậm ngùi.

Ký dư giáo viên qua nhiều đời lãnh đạo

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, để xảy ra tình trạng thừa giáo viên thuộc trách nhiệm của ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Păk nhiệm kỳ 2011-2015, hiện làm Phó Ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021).

Theo đó, trong thời gian làm Chủ tịch UBND huyện Krông Păk, ông Kỷ đã ký tuyển dụng thừa trên 500 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng. Biết giáo viên đang thừa rất nhiều, nhưng đến nhiệm kỳ của mình, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký tuyển dụng 109 giáo viên, nhân viên. Ông Kỷ đã bị kỷ luật Đảng; còn ông Y Suôn Byă đang bị kiểm tra, làm rõ các sai phạm.

 

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Păk, cho biết địa phương sẽ rà soát lại toàn bộ hợp đồng, tính toán xét tuyển từ nay đến năm 2021 để thay thế vào vị trí những giáo viên nghỉ hưu. Ngoài ra, huyện vẫn tính toán nhiều phương án khác nhằm tạo thuận lợi nhất cho giáo viên.

Theo bà Trinh, vào thời điểm tuyển dụng, số lượng học sinh trên địa bàn huyện nhiều dẫn đến thiếu giáo viên trầm trọng. Sau nhiều năm, số lượng học sinh giảm lại, số lớp co lại dẫn đến thừa giáo viên. "Theo nhu cầu sử dụng giáo viên của từng trường, Phòng Giáo dục đề xuất lên Phòng Nội vụ tham mưu huyện, chứ lãnh đạo huyện không tự quyết, tự đưa ra con số tuyển dụng được", bà Trinh nói.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo