Các hãng bảo hiểm phải trả bao nhiêu tiền cho thảm họa MH17?
Chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân bao gồm các hãng hàng không, chính phủ các nước và giới chức hàng không tại Malaysia, Hà Lan.
Chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi tại Ukraine sẽ khiến các hãng bảo hiểm phải bồi thường hàng trăm triệu USD, đồng thời sẽ làm phát sinh hàng loạt vụ tranh chấp pháp lý kéo dài giữa hãng hàng không, hãng bảo hiểm, chính phủ và gia đình nạn nhân.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm, việc phạm vi các bên nằm trong diện có thể đòi bồi thường của gia đình các nạn nhân có thể làm vụ việc thêm phức tạp không kém việc xác định ai là thủ phạm bắn hạ máy bay tại khu vực trao tranh ác liệt.
Trong sự việc lần này, các bên có khả năng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân bao gồm các hãng hàng không, chính phủ các nước và giới chức hàng không tại Malaysia, Hà Lan do những cơ quan này đã cho phép chuyến bay đi qua khu vực chiến sự đã được khuyến cáo về rủi ro từ trước.
Chính phủ Nga và Ukraine cũng có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu kết quả điều tra cho thấy bằng chứng một trong hai nước có liên quan đến sự việc này.
“Đây sẽ là một vụ bồi thường kéo dài, liên quan đến nhiều bên và cả các cáo buộc chính trị. Về quy mô của tổn thất, nó sẽ vào khoảng vài trăm triệu USD”, Joseph Wheeler, một luật sư hàng không của công ty luật Shine Lawyers, tại Brisbane, Australia cho biết.
Những khoản bồi thường ban đầu cho gia đình các nạn nhân sẽ do hãng Malaysia Airlines tự chi trả. Số tiền mà hãng này phải bồi thường sẽ tuân thủ thỏa thuận về hàng không quốc tế thuộc Công ước Montreal, với mức tối đa khoảng 170.000 USD/hành khách. Malaysia Airlines phải thực hiện những chi trả ban đầu này, bất kể tai nạn có phải do lỗi của họ hay không.
“Malaysia Airlines sẽ bị ràng buộc trách nhiệm theo hợp đồng, bởi mỗi tấm vé máy bay chính là một hợp đồng khẳng định hãng hàng không này có trách nhiệm đưa đón hành khách an toàn”, Mark Dombroff, luật sư tại công ty McKenna Long & Aldridge của Mỹ khẳng định.
Mặc dù hãng hàng không này có khả năng sẽ chia sẻ trách nhiệm với bên đã phóng tên lửa, nhưng họ sẽ không thể được miễn trừ trách nhiệm pháp lý.
“Những khó khăn mà Malaysia Airlines phải đối mặt sẽ là việc khách hàng có thể tranh luận rằng hầu hết các hãng hàng không đều biết không phận Ukraine thuộc vùng chiến sự và đã có hai máy bay khác bị bắn hạ tại đây trong tuần trước”, Kevin Bartlett, luật sư tại công ty luật Cooper Grace Ward, Brisbane, Australia cho biết.
Trên thực tế, từ tháng 6 vừa qua, giới chức hàng không Anh đã hối thúc các hãng hàng không tránh không phận Ukraine.
“Mặc dù MH17 bay trên độ cao không phận giới hạn, vẫn có thể có ý kiến tranh luận rằng lẽ ra hãng hàng không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa như các hãng khác, và tránh bay qua khu vực trên”, Kevin Bartlett phân tích.
Tập đoàn bảo hiểm của Đức Allianz Global Corporate & Specialty hiện là nhà tái bảo hiểm chính cho máy bay của hãng Malaysia Airlines, với chương trình bảo hiểm thân vỏ và trách nhiệm. Theo báo cáo, chiếc máy bay bị nạn được định giá 97,3 triệu USD.
Trong khi đó, trách nhiệm bảo hiểm máy bay trong trường hợp bị tấn công cố ý, ví dụ như khủng bố, thuộc về hãng tái bảo hiểm Atrium của anh.
Ngoài ra, gia đình các nạn nhân có thể khởi kiện ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan tới máy bay bị bắn hạ. Họ có thể sẽ được bồi thường hàng triệu USD trên cơ sở nguồn thu nhập bị mất và những hỗ trợ cho gia đình, John Ribbands, một luật sư hàng không tại Melbourne, Australia khẳng định./.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo