Các lĩnh vực “tiêu tiền” của Nhà nước sẽ bị quản chặt hơn?
Đó là một trong số các điểm mới tại Luật Đấu thầu 2013 được ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho biết tại Hội nghị phổ biến Luật Đấu thầu tổ chức ngày 13/2.
PV: Luật Đấu thầu năm 2013 sẽ được triển khai vào ngày 1/7 tới được đánh giá là có rất nhiều ý nghĩa. Ông có thể cho biết cụ thể hơn?
Ông Lê Văn Tăng: Luật Đấu thầu 2013 khi áp dụng vào thực tế thì sẽ tạo ra bước tiến lớn, thứ nhất là phạm vi điều chỉnh rất cao, phủ lên toàn bộ những lĩnh vực mua sắm mà trước đây chưa đề cập đến
Ví dụ đã có quy định các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có sự tham gia của Nhà nước từ 30% trở lên thì mới có chế tài, nhưng trong Luật lần này bất cứ nguồn vốn nào, cứ của DNNN là có chế tài
Trước chưa quy định dự án đầu tư ra nước ngoài, vấn đề mua thuốc, vật tư y tế, luật lần này có riêng mục về đấu thầu thuốc, có đặc thù gì của thuốc thì đưa vào, nghị định hướng dẫn cũng sẽ chi tiết hơn.
Con số tiết kiệm mấy nghìn tỷ là theo báo cáo sơ bộ của ngành y tế trong 2 năm 2012, 2013 khi chưa áp dụng luật này, tiết kiệm được khoảng 15-20%. Hàng năm cả nước mua khoảng 25.000 tỷ đồng tiền thuốc thì con số tiết kiệm được khá lớn.
Sang năm lên 28.000 tỷ đồng, sang năm nữa nhu cầu mua thuốc càng ngày càng nhiều lên thì luật này đưa vào thực tế sẽ đạt được hiệu quả kinh tế rất cao. Quan trọng nhất thuốc sẽ đảm bảo chất lượng cho người bệnh, giá thuốc được thống nhất trên phạm vi toàn quốc 1 cách tương đối.
Như vậy các lĩnh vực tiêu tiền của Nhà nước sẽ có chế tài, và chế tài xử lý rất mạnh, rất rõ, tạo bước chuyển biến mới, chắc chắn đạt hiệu quả hơn giai đoạn trước, nhưng mức độ thế nào còn phụ thuộc vào nỗ lực của chúng ta khi triển khai luật hoặc các nghị định.
Thứ hai là phương thức đấu thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, ưu đãi cho nhà thầu, các mua sắm tập trung, quy trình xử lý khiếu nại tố cáo cũng mới. Hàng loạt các nội dung mới được đề cập để phổ cập, kể cả những nội dung trước đây có rồi thì bây giờ được nâng cấp và hoàn thiện hơn.
Lần này trách nhiệm của các đơn vị cũng được quy định rất rõ ràng, kể cả với cơ quan thanh tra. Thanh tra phát hiện sai phạm và không xử lý thì cũng bị phạt. Trước đây quy định không rõ ràng, trong quá trình thực hiện, có sự chồng chéo. Tại Luật đấu thầu 2013, phạm vi độ mới chiếm đến 70-80%.
PV: Việc đưa Luật Đấu thầu 2013 vào thực tế sẽ góp phần sử dụng vốn Nhà nước được tốt hơn. Ông có thể cho biết con số dẫn chứng cụ thể hơn?
Ông Lê Văn Tăng: Với phạm vi điều chỉnh của luật như tôi đã nói, sắp tới số lượng vốn của Nhà nước mà được chế tài phải tăng gấp 2-3 lần.
Luật Đấu thầu lần này đưa vào 1 chương đấu thầu qua mạng, sắp tới là đấu thầu điện tử sẽ minh bạch hơn, đồng thời tiết kiệm công sức, chi phí đi lại trong quá trình đấu thầu, chắc chắn tạo ra cạnh tranh và hiệu quả rất cao.
Bằng giờ sang năm khi luật có một thời gian đi vào thực tế thì chúng tôi sẽ có báo cáo đánh giá chi tiết, sẽ có con số cụ thể để so sánh. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn sẽ tốt hơn.
PV: Luật Đấu thầu năm 2013 được trông đợi sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái cơ cấu đầu tư công. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ông Lê Văn Tăng: Tái cơ cấu đầu tư công là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm đột phá. Muốn tái cơ cấu đầu tư công thì phải thay đổi tư duy huy động nguồn vốn để đầu tư. Trước nói tới đầu tư là nói tới ngân sách Nhà nước, mà nguồn này bây giờ không có đủ nữa, do vậy chúng ta phải chuyển sang huy động tư nhân vào làm.
Chính việc này phải ra đời những quy định, nghị định. Trên cơ sở nghị định 108 quy định về đầu tư BOT, BOO, đầu tư PPP thì trong đó có việc thu hút lượng vốn của tư nhân lớn để vào làm.
Khi tư nhân làm dự án thì họ quản lý dự án, quản lý chất lượng công trình để làm sao trong quá trình vận hành được tốt. Dự án vận hành suốt mấy chục năm thì nhà đầu tư gắn với chất lượng dự án, họ sẽ lo lắng và đầu tư sao cho chất lượng công trình được nâng lên, trong quá trình vận hành không phải sửa chữa nhiều.
PV: Theo đánh giá của ông, tại Luật lần này thì những điều gì cần phải sửa đổi, khắc phục mà doanh nghiệp rất quan tâm?
Ông Lê Văn Tăng: Thứ nhất, cộng đồng DN muốn mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch. Thứ hai là tập trung được đầu mối hướng dẫn một cách thuận lợi trong quá trình thực hiện. Thứ ba là trong thời gian trước mắt phải ưu đãi hỗ trợ nhà thầu trong nước để vượt qua giai đoạn đầu. Chính các nội dung đó chúng tôi đưa vào luật để có sự đột phá.
Thể chế hóa bằng chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng, để hàng hóa trong nước có thể phát triển. Khi đấu thầu, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ được ưu tiên hơn dù nhà cung cấp là nhà thầu nào. Khắc phục tình trạng trước đây, luật lần này sẽ tập trung ưu tiên hàng hóa hơn là nhà thầu.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương