Các nhà lập trình xuất sắc Châu Á sắp tranh tài tại APEC
Từ ngày 18 - 19/5 tới đây, một nhóm những nhà thiết kế phần mềm và web xuất sắc của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ đến Hà Nội tham dự Cuộc thi phát triển phần mềm APEC (APEC App Challenge) và trong vòng 24 giờ lập trình để phát triển và hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc web nhằm giải quyết một thách thức dai dẳng của khu vực: làm thế nào để có nhiều hơn các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ (MSMEs) xuất khẩu được sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài?
“Cuộc thi phát triển phần mềm APEC” này là một sáng kiến của diễn đàn APEC, được phối hợp tổ chức bởi Bộ Công Thương Việt Nam, Quỹ Châu Á và Google trong khuôn khổ các sự kiện hướng tới Hội nghị các Bộ trưởng Phụ trách Thương mại lần thứ 23 (MRT 23), tháng 5 tại Hà Nội. Việc lồng ghép cuộc thi trong khuôn khổ MRT 23 sẽ khuyến khích sự tương tác và học hỏi giữa các nhà làm chính sách của APEC với những người tham gia cuộc thi từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tạo ra lớp học sáng tạo cho những doanh nhân trẻ trong lĩnh vực phần mềm.
Vào ngày 17/5, các nhóm sẽ đến Hà Nội để tham dự cuộc thi lập trình giống như một cuộc chạy tiếp sức thâu đêm, trong đó các nhà phát triển và thiết kế phần mềm từ các nền kinh tế APEC sẽ lập trình để phát triển và hoàn thiện một ứng dụng miễn phí trên điện thoại di động hoặc trên web phục vụ các MSMEs muốn mở rộng kinh doanh của họ thông qua thương mại qua biên giới. Ban giám khảo sẽ công bố người thắng cuộc vào sáng ngày 19/5. Dự kiến các Bộ trưởng Thương mại APEC sẽ tham dự và trao giải cho đội thắng cuộc trong Lễ trao giải chính thức tại Hội nghị chuyên đề APEC về Thương mại và Đổi mới vào buổi chiều cùng ngày.
Chủ đề của Cuộc thi phát triển phần mềm này đặc biệt quan trọng đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp và thu hút tới 2/3 lực lượng lao động của khu vực. Trong khi Internet giúp cắt giảm đáng kể các chi phí xuất khẩu cho các doanh nghiệp này tại những nền kinh tế phát triển, các doanh nghiệp trong khu vực vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, và lợi nhuận từ thương mại quốc tế vẫn rất khó đạt được. Chẳng hạn, mặc dù các SMEs của Indonesia đóng góp tới gần 60% GDP nước này, tổng đóng góp hàng xuất khẩu của họ chỉ chiếm có 16%.
Các chủ doanh nghiệp nhỏ ở những nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phải đối mặt với hàng loạt thách thức khi muốn tiếp cận với thương mại qua biên giới gồm cả cơ sở vật chất, tài chính lẫn các quy định pháp luật nước sở tại (chẳng hạn như các rào cản phi thuế quan). Do vậy, xuất khẩu từ trước đến nay vẫn không phải là một lựa chọn cho MSMEs nhưng những ứng dụng kỹ thuật số đã và đang giảm thiểu đáng kể chi phí cho xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng, đây là lần đầu tiên MSMEs có thể xem xét việc tiếp cận thị trưởng xuất khẩu và tận dụng ưu điểm của chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc thi phát triển phần mềm này là một nỗ lực đặc biệt nhằm tạo ra sự học hỏi và chia sẻ những ý tưởng mới trong cộng đồng APEC, đồng thời xây dựng những giải pháp làm việc có khả năng giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua những rào cản đang tồn tại. Cuối cùng, mục tiêu của cuộc thi này là nêu bật những phương pháp mới nhằm tăng cường phát triển toàn diện, đổi mới và bền vững cho các nền kinh tế trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và thúc đẩy ban hành chính sách thúc đẩy sáng tạo và đổi mới trong việc giải quyết những vấn đề thương mại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới