Cách chức Hạt trưởng kiểm lâm vì để mất rừng
Chiều ngày 4/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam – cho biết, đã ký hàng loạt quyết định kỷ luật lãnh đạo kiểm lâm vì để xảy ra nhiều vụ phá rừng phòng hộ trong thời gian gần đây.
Theo đó, cách chức ông Trần Lanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung kiêm Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Ông Trần Lanh bị cách chức do không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng trong vụ phá rừng phòng hộ tại xã Tà Pơ và xã Chà Vàl thuộc lâm phận rừng phòng hộ Nam Sông Bung, huyện Nam Giang.
Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cũng ký quyết định cảnh cáo ông Hồ Văn Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Kôn kiêm là giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, huyện Đông Giang.
Lý do, ông Minh vi phạm trách nhiệm bảo vệ của chủ rừng, để xảy ra phá rừng trái phép trong lâm phận rừng phòng hộ Sông Kôn do mình quản lý.
“Việc kỷ luật cán bộ cũng đau xót lắm nhưng phải làm thôi vì vi phạm cũng lớn lắm”, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam - ông Huỳnh Tấn Đức nói.
Trước đó, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam – ông Phan Tuấn cũng ký 6 quyết định kỷ luật 6 cán bộ kiểm lâm vì liên quan đến các vụ rừng phòng hộ bị hạ sát.
Theo đó, khiển trách các ông Nguyễn Trường Tiến (Kiểm lâm viên trung cấp, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung), Đặng Thi (Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sao La), Phan Thanh Minh (Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng số 3, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn) và A Vô Tô Vích (Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Chà Vàl).
Cảnh cáo các ông Nguyễn Nhị (Kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung), Trần Kim Hoàng (Viên chức, phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Tà Pơ).
Tất cả 6 kiểm lâm trên bị cảnh cáo, khiển trách với lý do không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng, để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn.
Như Dân trí đã thông tin, liên tục trước và sau tết đến nay, địa bàn Quảng Nam xảy ra hàng loạt vụ phá rừng phòng hộ nghiêm trọng. Trong đó có vụ chặt phá 33 cây rừng ở rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang).
Uớc tính khối lượng gỗ thiệt hại trên 72m3, gỗ từ nhóm III - VII; một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852 m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299 m3.
Đối với vụ phá rừng ở rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang), đã có 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ (33 cây lim xanh và 1 cây xoan đào). Ước tính tổng khổi lượng gỗ thiệt hại trên 235m3; trong đó gỗ lim xanh 223,121 m3 và gỗ xoan đào 11,990 m3; khối lượng còn tại hiện trường 125,909 m3 gỗ tròn và 3,949 m3 gỗ xẻ.
Sau khi các vụ phá rừng này xảy ra, ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – đã đích thân đi thị sát và làm việc với các cơ quan liên quan và yêu cầu xử lý nghiêm. Ông Thanh cũng đã có “Tâm thư” gởi cán bộ ngành kiểm lâm tỉnh đối với việc bảo vệ rừng trên địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo