Cách nào ngăn “chúa chổm” nợ bảo hiểm?
Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2014, tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nhiều “chúa chổm” nợ BHXH với số tiền rất lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi NLĐ
BHXH Việt Nam cho biết, việc tuân thủ về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với lương thực tế; cùng với đó, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Ban thu BHXH Việt Nam, số nợ tính đến thời điểm 30/11/2014 là hơn 11.114 tỷ đồng, tăng hơn 455 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, tại hội thảo “Vấn đề thu, nợ BHXH, BHYT - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Chính phủ tổ chức, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở hầu hết các địa phương, DN với mức độ ngày càng gia tăng. Hiện, trong cả nước, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người, nhưng mới chỉ có gần 11 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc. Điều này đồng nghĩa với việc có hơn 5 triệu NLĐ chưa được bảo đảm quyền an sinh xã hội cơ bản.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện có hơn 300.000 đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150.000 đơn vị đăng ký tham gia BHXH. Như vậy, có đến 50% số DN trốn đóng BHXH. Điển hình như tại tỉnh Nghệ An, tính đến hết tháng 8/2014, toàn tỉnh có 551 đơn vị nợ BHXH, BHYT từ ba tháng trở lên với số tiền 107 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên là địa phương có tỷ lệ nợ thấp trong cả nước, nhưng 9 tháng năm 2014, số nợ cũng đã lên tới gần 11 tỷ đồng, chiếm 1,45% so với số phải thu BHXH, BHYT.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, điều đáng lo ngại là trong số các đơn vị nợ BHXH, BHYT, đã có hơn 8.000 đơn vị ngừng hoạt động với gần 7.000 đơn vị không còn giao dịch với cơ quan BHXH; có hơn 30.000 số lao động tại các đơn vị này có nguy cơ mất quyền lợi cơ bản về BHXH, BHYT.
Trước thực trạng DN nợ BHXH như hiện nay, theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, các chủ sử dụng lao động gần như bỏ rơi NLĐ, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đối với NLĐ, không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho NLĐ. “Hành vi DN cố tình nợ BHXH làm ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội của NLĐ”, ông Sinh nói.
Giải pháp nào?
Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chuyên gia cho rằng, để xảy ra tình trạng DN cố tình chiếm dụng, nợ đọng BHXH của NLĐ là do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thực tế hiện nay, quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng. Do đó, vô tình đã khuyến khích DN cố tình nợ BHXH để chiếm dụng quỹ BHXH.
Đồng quan điểm, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT có nhiều, nhưng mấu chốt là do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, lãi suất chậm đóng thấp, mức xử phạt hành chính thiếu tính răn đe; công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT chưa thường xuyên, kiên quyết. Bên cạnh đó, NLĐ do chưa hiểu đúng, nhận thức chưa rõ quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT hoặc biết nhưng vì mưu cầu việc làm, nên đã vô tình “tiếp tay” cho người sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT. “Hoạt động của các tổ chức công đoàn cơ sở chưa thật sự hiệu quả; chưa làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ NLĐ”, ông Chính nói.
Trong khi đó, theo đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước. Việc đóng chậm, đóng thiếu hoặc trốn đóng thường xuyên xảy ra. Thực tế cho thấy, có những trường hợp người sử dụng lao động hiểu rất rõ trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ, nhưng lại cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc chỉ đóng BHXH, BHYT cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn, hoặc lạm dụng tỷ lệ lãi suất phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất ngân hàng, thủ tục vay ngân hàng phức tạp, nên cố tình nợ BHXH, BHYT.
Trước thực trạng nợ đọng hiện nay, Quốc hội vừa thông qua Luật BHXH sửa đổi, cơ quan BHXH được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN. Cùng với đó, còn được bổ sung quyền được yêu cầu người sử dụng lao động xuất trình sổ quản lý lao động, bảng lương và thông tin, tài liệu khác liên quan đến đóng, hưởng BHXH, BHTN, BHYT. “BHXH Việt Nam là cơ quan Nhà nước. Việc đóng BHXH sẽ tạo thuận lợi để khắc phục triệt để hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo