Cải cách chậm sẽ kéo lùi tăng trưởng
Đó là khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong buổi công bố báo cáo triển vọng phát triển Châu Á 2013 (ADO) sáng 9.4 tại Hà Nội. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ. Tiến trình cải cách chậm, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng và ảnh hưởng không chỉ đối với dài hạn mà cả với trung hạn .
Thặng dư thương mại sẽ đạt kỷ lục 12,5 tỉ USD
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2013 (ADO) được công bố ngày 9.4 dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 5,2% trong năm 2013 và 5,6% trong năm 2014. Lạm phát sẽ ở mức trung bình 7,5% trong năm nay trước khi tăng lên 8,2% trong năm 2014. Thặng dư thương mại dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 12,5 tỉ USD trong năm 2013 và thặng dư cán cân tài khoản vãng lai tiếp tục tăng trong năm 2013.
Về vấn đề nợ công Việt Nam, chuyên gia ADB cho rằng, con số nợ cụ thể là bao nhiêu không quan trọng, mà vấn đề là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh hơn bao nhiêu so với tốc độ tăng trưởng nợ. Ông cho rằng, có những quốc gia trên thế giới có nợ công cao hơn nhiều mức 55% GDP, nhưng không bị căng thẳng về nợ. Nhưng có những quốc gia khác có khoản nợ trên GDP thấp hơn 55% lại có vấn đề.
“Những khoản nợ này phải được đầu tư vào những ngành có hiệu quả, có năng suất nhất. Nếu không, tăng nợ về lâu dài có nghĩa tăng chi tiêu công. Như vậy, tốc độ tăng trưởng cao cũng chỉ để dùng trả nợ cho chính phủ mà thôi và nó sẽ khiến tỉ lệ nợ của chính phủ trên GDP sẽ thay đổi” – ông Mellor phân tích.
Chuyên gia ADB cho rằng, nhiều dòng đầu tư công đã không được dành cho những khu vực hiệu quả nhất trong những năm qua. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, trong lúc tốc độ tăng trưởng nợ tăng lên khiến tỉ lệ nợ trên GDP tăng lên. “Nếu đầu tư công hiệu quả, thì với một nền kinh tế như VN với tăng trưởng khoảng 8% có thể chấp nhận mức nợ 55%” – ông nói.
Cần cải cách mạnh mẽ
Một trong những rủi ro khác mà Việt Nam đang đối mặt là liệu các ngân hàng có đủ vốn cung cấp cho nền kinh tế hay không – chuyên gia ADB nói. Ông Mellor khuyến cáo cần phải chú ý đến nợ tiềm ẩn của DN nhà nước, vì nó có thể khiến nợ công tăng trong tương lai.
Bên cạnh đó, mức nợ xấu tại các ngân hàng thương mại VN là chưa rõ ràng. Theo ước tính của cơ quan tín dụng quốc tế Fitch, tỉ lệ nợ xấu của VN có thể cao hơn 2 con số. Bên cạnh đó, các DN hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, khiến nợ xấu tại VN có thể cao hơn con số báo cáo chính thức. “Nợ xấu của ngân hàng và nợ xấu của DNNN là hai mặt của một đồng tiền. Nếu nhìn lại kinh nghiệm của các quốc gia Châu Á khác trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997, họ phải giải quyết nợ xấu kết hợp với tái cơ cấu doanh nghiệp” – Trưởng đại diện ADB cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế ADB, để duy trì lợi thế cạnh tranh, VN cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ. Tiến trình cải cách chậm, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng và ảnh hưởng không chỉ đối với dài hạn mà cả với trung hạn.
“Sẽ rất khó để VN duy trì niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như quay trở lại với tốc độ tăng trưởng cao như đã có trước đây trong một môi trường nợ xấu cao và rủi ro với hệ thống ngân hàng” – ông Mellor nói. ADB cho rằng công cuộc tái cơ cấu DN nhà nước tại VN cần mang tính chiến lược và chọn lọc cao hơn. “Đây sẽ là một bài tập tốn kém và khó khăn. Việt Nam không thể tái cơ cấu các DNNN cùng một lúc, mà phải chọn lọc các đối tượng lớn, quan trọng để gây ra tác động lan tỏa” – chuyên gia Mellor nhận định.
DN nước ngoài vẫn mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Bất chấp những khó khăn nội tại của kinh tế VN, ADB cho rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầy thu hút với các nhà đầu tư, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Nhật, nhờ lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, ADB khuyến cáo dòng đầu tư vào VN đang diễn biến trái chiều với các nước trong khu vực khi theo hướng “đi xuống”.
Năm 2008, khi VN mới vào WTO, 80% số DN Nhật cho biết muốn mở rộng kinh doanh. Con số này giảm còn 60% năm 2009. Nhưng với Myanmar hay Indonesia, chỉ số trên lại tăng lên. Vì vậy, cạnh tranh FDI của VN sẽ khó khăn hơn. “Nếu VN không đạt được tiến bộ trong cải cách cơ cấu, các nhà đầu tư FDI sẽ rút ra khỏi VN” – ông Mellor khuyến cáo.
Theo ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam - khả năng duy trì cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại 7 -8% của Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện kịp thời và cương quyết các chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và DN nhà nước, cũng như môi trường đầu tư.
Công Duy
Theo LĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
Cột tin quảng cáo