Tin tức - Sự kiện

Cấm bán rượu bia từ 22h – 6h dễ hơn cấm hút thuốc lá?

Bên cạnh việc ủng hộ cấm bán rượu bia từ 22h-6h, ông Phạm Trường Dân cho rằng cấm hút thuốc là khó hơn bia rượu.

Bộ Y tế có nên làm tốt Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá trước khi cho ra đời dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia hay không?

Liên quan đến dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Trường Dân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XIII vào chiều 22/7:

PV: Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo có quy định cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
 
Tôi đồng ý với phương án này của dự thảo luật, việc cấm bán rượu bia từ 22h đến 6h sáng như vậy sẽ giúp cho công tác quản lý an ninh trật tự xã hội được tốt hơn và hạn chế những phức tạp đối với xã hội.
 
Theo tôi, cũng cần phải đưa ra quy định tất cả các cơ sở kinh doanh, nhà hàng muốn bán bán rượu bia phải đăng ký với nhà nước, nếu có thêm quy định đó thì tốt hơn. Vì để chúng ta biết được nhà hàng nào có bán rượu bia, nhà hàng nào không và giúp cho khách hàng cũng như công tác kiểm tra giám sát được tốt hơn.
 
Tôi cũng đã từng đi tham quan bên Mỹ, khi vào quán ăn tôi có hỏi muốn mua rượu nhưng họ trả lời "nhà hàng tôi không đăng ký bán rượu bia nên không có, mong quý khách thông cảm". Mặc dù đấy là một cửa hàng rất lớn nhưng cũng không kinh doanh bán rượu bia, bởi họ không đăng ký nên thực hiện rất nghiêm túc quy định. Đấy là việc mình nên học họ.
 
Theo tôi khi đưa ra dự thảo này, Bộ Y tế cũng nên tính toán tất cả các cơ sở dịch vụ muốn kinh doanh rượu bia đều phải đăng ký. Nếu như trong dự thảo chưa có quy định này thì nên bổ sung. Ở một số nước tiên tiến họ đều có đưa ra quy định, tất cả các cơ sở, nhà hàng đều phải đăng ký kinh doanh, bán rượu bia thì mới được phép bán.
 
Tôi cũng cho rằng cũng chỉ cho phép bán rượu bia đến 10 giờ đêm thôi, sau 10 giờ đêm thì không được bán nữa, để giúp cho việc quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội được tốt hơn. Vì hiện nay, có rất nhiều đối tượng phạm tội thông qua rượu bia, uống rượu bia tại các quán nhỏ, hay hàng xóm, uống say rồi ra ngoài đường gây gổ, đánh nhau. Cho nên các chủ quán quán nhà hàng tùy theo quy mô phải đăng ký theo phạm vi quản lý từng cấp, ví dụ như cửa hàng nhỏ ở cấp xã thì đăng ký như thế nào, cấp huyện đăng ký như thế nào và cấp tỉnh đăng ký như thế nào...
 
Đại tá Phạm Trường Dân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam khóa XIII (Ảnh: Xuân Hải)
 
PV: Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ là người thức khuya để đi xử phạt những cửa hàng bán rượu bia từ 22h đến 6h, thưa ông?
 
Việc này các cơ quan chức năng của sở y tế họ sẽ có trách nhiệm đi kiểm tra, họ có thanh tra của họ chứ, khi soạn thảo dự án Luật Bộ Y tế cũng phải tính đến phương án này. Nhà nước giao cho ngành nào thì ngành đó phải có trách nhiệm rồi phân cấp để kiểm tra, xử lý các nhà hàng bán rượu bia quá giờ. 
 
Cái đó là làm được, nhưng những người đi làm việc đó phải có chế độ đặc thù và chính sách đối với họ, qua đó góp phần đảm bảo an ninh xã hội được tốt hơn.
 
PV: Trước đây Luật phòng chống tác hại của thuốc lá do Bộ Y tế soạn thảo và đã được ban hành nhưng tính hiệu quả thực thi chưa tốt. Vậy theo ông Bộ Y tế có nên làm tốt Luật phòng, chống thuốc lá, trước khi cho ra đời dự án Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia hay không?
 
Về vấn đề này tôi cho rằng Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm và cũng phải rút kinh nghiệm ra rằng cấm hút thuốc là khó hơn bia rượu. Ví dụ, ở sân bay khi cấm uống rượu bia thì anh không thể dám xách bia rượu ra ngồi đó để uống được vì ở đó người ta quản lý khu vực công cộng chặt chẽ hơn, còn đối với thuốc lá thì anh vẫn hút lén lút những chỗ khuất vắng người. Riêng bia rượu thì uống phải có điểm, tại các điểm vui chơi, điểm công cộng, nhà hàng thì vấn đề quản lý và xử lý rất dễ. Đồng thời, cần phải phân cấp rõ ràng thanh tra ý tế làm gì, chính quyền làm gì, công an làm gì và phải thực hiện nghiêm túc.
 
PV: Nếu quy định cấm bán rượu bia như vậy, liệu các nhà hàng, quán có “sống” được không thưa ông?
 
Theo tôi những người bán rượu bia, họ cũng có tâm lý muốn bán đến 10h đêm là nghỉ nhưng vì khách yêu cầu nên họ tiếp tục phải phục vụ, cho nên tâm lý của người bán hàng họ cũng lo sợ và không muốn bán muộn để người phục vụ nghỉ sớm. Tôi cũng thống nhất cao với quy định này, vì quản lý vấn đề này tốt hơn sẽ hạn chế được tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông vào ban đêm.
 
Bên cạnh đó tôi cũng đề nghị là dự án luật cần quy định cụ thể độ tuổi được sử dụng rượu bia. Theo tôi nên quy định độ tuổi 21 tuổi mới được sử dụng rượu bia, bởi vì ở lứa tuổi này nhiều người cũng đã học xong đại học, như vậy nhận thức, ý thức của anh sẽ tốt hơn, chín chắn hơn nên khi uống rượu bia sẽ hạn chế ảnh hưởng đến người xung quanh và xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo