Xã hội

Cảm động tủ bánh mì miễn phí cho người nghèo Sài Gòn

(DNVN) - Người nghèo Sài Gòn đã quen dần với trà đá, tủ thuốc, cơm... miễn phí. Mới đây mảnh đất phía nam này xuất hiện một tủ bánh mì miễn phí cho người nghèo lót dạ khiến nhiều người cảm động.

Tin tức trên báo Vnexpress, những ngày qua, hình ảnh về thùng bánh mì miễn phí được đặt trước tiệm làm đẹp tại nhà 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh, TP. HCM (gần ngã tư XVNT - Bạch Đằng) gây chú ý. 

Chiếc xe đẩy hai tầng chứa đầy những ổ bánh mì vàng rụm còn nóng. Phía trước có một khe tròn nhỏ để lấy bánh. Trên chiếc xe có dán dòng chữ "Từ thiện - miễn phí - một người một ổ".

Ông Lê Đình Thảo cảm động vì có ổ bánh mì lót dạ. Ảnh: H.LAN/ Pháp luật TP. HCM.

Theo anh Lý Chánh Lương bảo vệ tiệm cũng là người trông coi tủ bánh mỳ cho biết, mỗi ngày có khoảng từ 100 - 150 ổ bánh mì được đặt vào thùng (giá mỗi chiếc bánh mì là 3k/chiếc), ngày nào nhiều thì lên đến 200 ổ. 

Những người đến lấy bánh chủ yếu là các bác xe ôm, những người bán vé số, làm công việc thu gom ve chai, sinh viên nghèo... "Tuy không đáng là bao nhưng một ổ bánh mì để lót dạ vào sớm mai đối với những người lao động nghèo cũng là đáng quý", anh Lương nói.

Sáng 12/1, lê từng bước nặng nhọc đi ngang thùng bánh mì từ thiện, ông Lê Đình Thảo đi bán vé số, quê Phú Yên luống cuống thò tay lấy ổ bánh mì. Báo Pháp luật TP. HCM thông tin.

Ông cất lên tiếng nói khó nhọc như để giãi bày tình cảnh của mình: “Tôi bị tai biến nhẹ. Đi từ sáng đến giờ vẫn chưa có tiền ăn sáng. Mỗi ngày bán được 100 tờ, gửi tiền về quê phụ vợ làm ruộng nuôi ba đứa con. Có ổ bánh mì ăn cũng đỡ tiền ăn sáng lắm”. 

Khi được hỏi về ý tưởng đặt tủ bánh mì từ thiện, chị Xuân Lan xua tay nói việc mình làm không đáng gì, chỉ là một chút để chia sẻ cho bà con đang lo lắng mưu sinh, kém may mắn hơn mình.

 

Chị trầm tư: “Nhớ những lần bận công việc, không kịp ăn gì, chỉ cần có ổ bánh mì và ly nước là chịu được tới xế chiều nên mình nghĩ bà con mà có gói xôi hay ổ bánh mì ăn thì cũng giải quyết được cái đói trong vài tiếng đồng hồ như mình."

"Đề trên tủ là mỗi người một ổ để họ biết lấy chừng mực, lấy nhiều mà không ăn, bỏ uổng chứ không có ý gì khác nhưng ai lấy hơn thì tôi dặn anh bảo vệ vẫn cho người ta vì người ta khó khăn thì mới xin như vậy”- Chị Xuân Lan chia sẻ.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo