Tin tức - Sự kiện

Cấm phỏng vấn hành lang: Làm khó báo chí!

Nhiều trường hợp đại biểu quốc hội đang trả lời phỏng vấn báo chí thì bị lực lượng bảo vệ ngắt ngang.

Giờ nghỉ giữa phiên họp buổi sáng 22/5, tại hành lang hội trường làm việc của quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của quốc hội đang vui vẻ trả lời phỏng vấn một số phóng viên  thì một nhân viên an ninh tiến đến yêu cầu các phóng viên và ông Quyền dừng trao đổi, còn nếu muốn tiếp tục thì phải lên phòng làm việc tầng trên.

 

Được gặp gỡ, nhưng không được phỏng vấn

 

Hiện tượng ngắt ngang hoạt động tác nghiệp bình thường như vừa nêu không phải là cá biệt trong hai ngày đầu của kỳ họp thứ 3 quốc hội khóa XII này.

 

Tất cả bắt nguồn từ “Thông cáo báo chí số 1” của Trung tâm Báo chí quốc hội, phát đi ngày 21/5, phần về khu vực phỏng vấn: “1. Không phỏng vấn đại biểu quốc hội tại hành lang phía sau và hành lang hai bên hội trường (tầng 1); 2. Nếu phóng viên có yêu cầu phỏng vấn, mời lên tác nghiệp tại phòng phỏng vấn hoặc sảnh tầng hai”.

 

Trao đổi với phóng viên sau khi cuộc phỏng vấn bị gián đoạn, ông Quyền bày tỏ sự ngỡ ngàng với lệnh cấm này. “Nghỉ giải lao, đại biểu chúng tôi ra hành lang trò chuyện. Nếu phóng viên gặp, đặt câu hỏi mà thấy giải đáp được là trả lời. Như lần này, tôi hoàn toàn tự nguyện, thoải mái khi trả lời các câu hỏi, không hiểu sao lại bị nhắc nhở thế!”.

 

Khi các phóng viên bám theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ở hành lang quốc hội để phản ánh vấn đề này thì ông Phúc chỉ lên tầng hai rồi đi thẳng. Trong hai ngày qua, không ít đại biểu - quan chức cũng đã thoát khỏi sự “quấy rầy” của báo chí bằng những cách tương tự.

 

“Có thể có đại biểu muốn được nghỉ ngơi”!

 

Báo chí lâu nay vẫn được đánh giá là cầu nối giữa quốc hội, đại biểu quốc hội với cử tri. Trong thời gian quốc hội họp, vào hai giờ nghỉ giữa buổi mỗi ngày, phóng viên nghị trường các báo được tạo điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc các đại biểu quốc hội tại hành lang hai bên hội trường làm việc của quốc hội.

 

Đại biểu Dương Trung Quốc rất thích thú những cuộc tiếp xúc tình cờ như thế. Ông nói: “Quy định cấm như thế, theo tôi hiểu, phải từ đoàn chủ tịch kỳ họp. Có thể một số đại biểu quốc hội nào đó muốn được nghỉ ngơi thật sự, không bị báo chí “quấy rầy””.

 

“Nhưng cấm như thế lại là hạn chế quyền tiếp xúc của những đại biểu như tôi” - ông Quốc băn khoăn. “Với tôi, hành lang Quốc hội là nơi gặp gỡ lý tưởng với anh em PV để gần gũi, thân mật hơn, chân thật hơn trước những vấn đề mà cử tri đang kỳ vọng vào cơ quan quyền lực nhà nước”.

 

Ông Cao Sĩ Kiêm, đại biểu đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng tỏ ra không ủng hộ quy định này. Chỉ về phía phòng làm việc xa tít trên sảnh tầng hai, ông bảo: “Phòng bé thế thì mấy trăm đại biểu gặp báo chí đủ sao được. Với lại, nghỉ giữa buổi có 20 phút, đi vòng vèo lên đó gần trăm mét thì còn thời gian đâu mà trao đổi với phỏng vấn”.

 

Ông Kiêm cho biết đã phản ánh vấn đề này đến Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong đó đề nghị ông Phúc thay đổi các quy định để báo chí và các đại biểu gặp gỡ trao đổi một cách thuận lợi bên hành lang quốc hội.

 

Càng ngày càng siết?

 

Theo dõi mối quan hệ báo chí - Quốc hội những năm gần đây thì thấy dường như có những điều chỉnh nhất định. Từ những quy định ngặt nghèo trước đây, sang khóa XI khi ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch quốc hội, tại các kỳ họp quốc hội tại hội trường Ba Đình, báo chí được tạo điều kiện tối đa gặp gỡ, tiếp xúc, phỏng vấn đại biểu quốc hội vào giờ nghỉ giải lao giữa các phiên họp.

 

Cũng ở nhiệm kỳ này, lần đầu tiên các phiên họp Ủy ban Thường vụ quốc hội được mở cửa cho báo chí theo dõi, đưa tin.

 

Tại giờ nghỉ giữa các phiên họp thường vụ quốc hội hằng tháng này, phóng viên nghị trường được tiếp xúc, trò chuyện với những người dự họp ngay ngoài hành lang phòng họp.

 

Đây là cơ hội vàng để báo chí tiếp cận các nguồn tin gốc, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách mới cho công chúng bởi thành phần dự họp Thường vụ quốc hội rất đa dạng, ngoài các ủy viên Ủy ban Thường vụ quốc hội, các ủy viên chuyên trách các ủy ban của quốc hội còn có cả chuyên gia đầu ngành từ Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành thuộc Chính phủ.

 

Tuy nhiên, sang quốc hội khóa XII, cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc nguồn tin ở các phiên họp thường vụ quốc hội hằng tháng bị đóng lại. Phóng viên vẫn được theo dõi diễn biến phiên họp Thường vụ quốc hội qua truyền hình nhưng không được đến khu vực sảnh nơi người dự họp nghỉ giải lao.

 

Tới khóa XIII này, cánh cửa nghị trường dường như còn khép kín hơn khi có những ý kiến đặt lại vấn đề nên hay không cho báo chí theo dõi phiên họp Thường vụ quốc hội. Còn với kỳ họp quốc hội mỗi năm, từ kỳ họp thứ hai lần trước đã bắt đầu xảy ra việc nhân viên bảo vệ nhắc nhở phóng viên không được phỏng vấn tại hành lang. Đến kỳ họp thứ ba này, qua hai ngày đầu, lệnh cấm ấy càng được thực hiện gắt gao hơn.

 

Nhưng cho dù có lấy lý do “điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, để bảo đảm trật tự, an toàn, văn minh tại kỳ họp quốc hội” như nêu trong Thông cáo báo chí số 1 thì theo đại biểu Dương Trung Quốc, vấn đề hạn chế tác nghiệp báo chí cũng nên được đưa ra quốc hội bàn để thỏa mãn cả hai nhóm yêu cầu muốn/không muốn gặp gỡ, tiếp xúc báo chí.

 

Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo