Tin tức - Sự kiện

Cận cảnh cỗ xe tăng mạnh nhất của Lục quân Việt Nam

Dù được trang bị khá khiêm tốn và ít khi xuất hiện, nhưng T-62 ở thời điểm hiện tại vẫn là mẫu xe tăng mạnh nhất mà Lục quân Việt Nam được trang bị.

Tuy được biên chế cho quân đội ta từ đầu những năm 1980, nhưng những hình ảnh về xe tăng T-62 ít xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng. Phải đến giữa năm 2016 những hình ảnh cụ thể đầu tiên về T-62 Việt Nam mới xuất hiện trong chương trình “Sống trong quân ngũ” do kênh Quốc phòng Việt Nam thực hiện.

Dựa trên phóng sự trên chúng ta có thể thấy được T-62 của Việt Nam vẫn thường xuyên tham gia nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến trong trong các đơn vị tăng thiết giáp của lục quân. Nguồn ảnh: QPVN.

Về lai lịch của T-62 Việt Nam, với những hình ảnh hiếm hoi có được nhiều khả năng đây là biến thể T-62 Obr.1972 được Liên Xô phát triển trong cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970. Trong ảnh là một nguyên mẫu hoàn chỉnh của T-62 Obr.1972 được trưng bày tại Công viên chủ đề “Người Ái Quốc” (The Patriot) ở ngoại ô Moscow. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Nhìn thiết kế ta có thể dễ dàng nhận thấy T-62 không có quá nhiều đột phá so với người tiền nhiệm của mình là T-54/55. Thậm chí nếu nhìn sơ qua rất dễ đưa ra nhận định cả hai dòng xe tăng này sử dụng chung một khung gầm bánh xích, tuy nhiên trên thực tế khung gầm của T-62 khác hoàn toàn so với T-54/55. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Theo đó trên xe tăng T-62 nó được trang bị cụm bánh xích với 5 bánh dẫn động mỗi bên, 3 bánh đầu lắp sát nhau còn bánh thứ 3,thứ 4 và thứ 5 thì cách xa nhau khá rõ, còn T-54/55 thì ngược lại. Và T-62 không có bánh quay xích. Trong ảnh là phần đuôi xe của T-62 Obr.1972 với một số khác biệt rõ rệt so với T-54/55. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Một chiếc T-62 có trọng lượng tổng thể 37 tấn, dài 9,34m, rộng 3,3m, cao 2,4m với kíp lái 4 người. Xe được bọc giáp dày tới 102mm nghiêng 60 độ trước thân và 214mm (lên tới 242mm phiên bản sản xuất sau 1972) ở mặt trước tháp pháo. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Nhìn ở mặt chính diện T-62 có hình dáng khá giống T-54/55 nhất là với thiết kế tháp pháo hình tròn và phần giáp phía trước mũi xe. Tuy nhiên để phân biệt vẫn có thể thấy rõ T-62 được trang bị nòng pháo chính khác so với người tiền nhiệm của mình. Theo đó T-62 được trang bị pháo nòng trơn U-5TS 115mm, tốc độ bắn ước tính đạt 3-5 phát/phút và có khả năng bắn đạn xuyên giáp vốn không có ở T-54/55. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Kho đạn trên xe tăng T-62 gồm 40 viên: 12 viên đạn xuyên giáp APFSDS kiểu BM-3; 6 đạn nổ chống tăng HEAT kiểu BK-4, BK-4M và 22 đạn nổ phá HE OF-18. Ngoài ra nó còn được trang bị các vũ khí phụ như súng máy đồng trục 7.62mm PKT và súng máy hạng nặng 12.7mm DShK. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Pháo 115mm U-5TS của T-62 Obr.1972 có tầm bắn hiệu quả khoảng 4 km trong điều kiện ban ngày và 800 m (với việc sử dụng thiết bị nhìn đêm) vào ban đêm. Ngoài ra với được trang bị hệ ổn định hai trục Meteor, xe tăng T-62 có thể vừa di chuyển vừa khai hỏa chính xác. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Về hệ thống động cơ giống như T-54/55, T-62 được trang bị động cơ diesel V-12 làm mát bằng nước có công suất 580 mã lực. Tốc độ đạt đến 40–50 km/h. Tầm hoạt động trên địa hình xấu là 320 km, trên đường bằng phẳng là 450 km với thùng nhiên liệu bên trong. Nếu được trang bị thêm 2 thùng nhiên liệu dung tích 200 lít thì tầm hoạt động sẽ đạt 450 km (đường xấu) và 650 km (đường bằng phẳng). Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Hình ảnh cuối cùng về T-62 Obr.1972 ta có thể thấy, phía sau tháp pháo của nó có một cửa sập nhỏ và cửa sập này có nhiệm vụ đẩy vỏ đạn ra ngoài sau mỗi phát bắn của pháo U-5TS. Nguồn ảnh: Vitaly Kuzmin.

Nên đọc
Theo Kiến thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo