Cần chấm dứt dịch vụ điện nông thôn
Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp tới hầu hết hộ dân nông thôn nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chậm bàn giao. Không những thế, họ còn bán điện giá cao gây bức xúc trong dư luận.
Người dân thiệt thòi
Năm 2014, ở nhiều địa phương như Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Phú Yên... đã xuất hiện tình trạng vi phạm pháp luật của nhiều tổ chức bán điện nông thôn, gây bức xúc cho người dân.
Điển hình là vụ hợp tác xã dịch vụ điện Ngọc Quan (Phú Thọ) đã tự ý đặt ra quy định thu của các hộ sản xuất sử dụng điện 3 pha từ 1 - 7 triệu đồng và nộp thêm 10% số tiền điện trên hóa đơn hàng tháng với lý do bù tổn hao điện năng và để nâng cấp các trạm biến thế.
Tại Hải Dương, vụ việc bán công tơ và giá điện theo quy định của nhiều công ty điện tư nhân như Quốc Tuấn và Bình Phương ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách), công ty Phúc Thiện ở xã Liên Hồng, Yết Kiêu (Gia Lộc), công ty Kim Xuyên xã Kim Xuyên (Kim Thành)... đã làm hàng nghìn hộ dân thiệt thòi.
Gần đây nhất, 76 hộ dân ở xã Nam Hồng (Tiền Hải, Thái Bình) cũng vô cùng bức xúc khi hợp tác xã điện năng của địa phương đã thu nhầm tiền điện gần 6 năm, với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng.
Không chỉ về giá điện, người dân ở nhiều nơi còn bức xúc với chất lượng điện mà các tổ chức, tư nhân quản lý. Đơn cử như ở Thanh Thủy (Phú Thọ), tình trạng nguồn điện thiếu ổn định, lúc tăng, lúc giảm không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con mà còn gây thiệt hại cho thiết bị điện trong nhà. Mặc dù phải trả tiền điện giá cao nhưng bà con vẫn phải dùng đèn dầu, nến, ắc quy để bổ sung ánh sáng. Ngoài ra còn hàng loạt tiêu chí như an toàn điện, hóa đơn, chứng từ cũng như các dịch vụ mà các tổ chức này thực hiện đã không đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Cần xử lý dứt điểm
Hầu hết người dân các địa phương đều mong muốn được mua điện trực tiếp của ngành điện vì họ sẽ được cung cấp điện đúng chất lượng, an toàn và đúng giá theo quy định của Chính phủ. Thêm vào đó, sản phẩm dịch vụ, cung cách phục vụ cũng ngày càng được cải tiến, nâng cao hơn.
Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho EVN quản lý, các tổ chức điện tư nhân đều tìm cách trì hoãn. Thậm chí, chính quyền địa phương nhiều nơi không đồng ý với lý do các tổ chức này vẫn hoạt động tốt, có lãi, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu cho địa phương.... Việc tiếp nhận lưới điện nông thôn luôn gặp khó khăn vì hai bên không thống nhất được phương án hoàn trả tiền đầu tư, giải quyết nhân sự dư thừa.
Một số ý kiến cho rằng, nếu bàn giao cho ngành điện sẽ quay về tình trạng độc quyền như trước đây, hoặc Việt Nam đang thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, doanh nghiệp được phép thành lập và hoạt động đúng luật thì lý do chuyển cho EVN là không hợp lý. Nhưng nhiều ý kiến khẳng định, EVN sẽ không thể độc quyền vì quy định ngày càng rõ ràng, minh bạch và được giám sát bởi nhiều cơ quan. Bản thân người dân cũng có quyền kiến nghị, phản đối. Đối với quyền hoạt động kinh doanh, tham gia thị trường điện cạnh tranh là không sai nhưng phải bảo đảm tuân thủ quy định của luật pháp và quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do vậy, cần xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm như hiện nay.
Theo Công Thương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo