Cần chỉnh lý thêm dự án Luật đất đai sửa đổi
Luật đất đai sửa đổi vừa được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở đó cơ quan soạn thảo và Thường trực Ủy ban kinh tế đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình 10 vấn đề lớn và đưa ra 6 vấn đề xin ý kiến Thường vụ Quốc hội. Thảo luận tại phiên họp có ý kiến cho rằng: Một số quy định của dự thảo Luật còn chung chung, chưa chặt chẽ, sẽ gây khó khăn khi triển khai thực hiện.
Liên quan đến quyền của Nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua tài sản gắn liền với đất, Thường trực Ủy Ban kinh tế tán thành với ý kiến cho rằng không nên quy định quyền này vì đã có quy định Nhà nước có thể sử dụng quyền thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế, xã hội. Mặt khác, quy định này không minh bạch, không công bằng, gây cản trở lớn các giao dịch dân sự và kinh tế thông thường, dễ phát sinh tiêu cực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định này để Nhà nước có thể chủ động tạo quỹ đất “sạch” nhằm sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội.
Về nguyên tắc định giá đất, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm nguyên tắc theo mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, phù hợp với giá phổ biến của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã thực hiện thành công trong các trường hợp chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất, nói cách khác là giá đất thị trường.
Do tính chất quan trọng của dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo căn cứ vào tinh thần Hội nghị Trung ương 5 và ý kiến thảo luận của Quốc hội tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý lại luật này một cách cụ thể và khả thi hơn góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc đang diễn ra trong thực tiễn
Cũng trong chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thu, chi tiền lãi dầu khí nước chủ nhà được chia từ Xí nghiệp lên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí. Trước đó, vào buổi sáng, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo (lần 2) sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Hồng Lĩnh (Theo VTV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo