Thị trường

Cần chính sách đặc thù phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Có chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm sẽ có điều kiện khai thác tốt tiềm năng lợi thế của mỗi tỉnh.

 Sáng 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban chỉ đạo điều phối  các vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm và đề xuất mô hình, quy chế giai đoạn tới. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của 24 tỉnh, thành phố và đại diện một số Bộ, ban ngành Trung ương tại điểm cầu Hà Nội.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 20 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, mô hình điều phối vùng kinh tế trọng điểm đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 10 năm của tất cả các vùng kinh tế trọng điểm là 8,8%, cao hơn bình quân cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 127,3 tỷ USD, chiếm 90,9% cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 800.000 tỷ đồng, chiến 89,1% cả nước, thu hút vốn đầu tư FDI vùng kinh tế trọng điểm chiếm 91,3% số dự án, 82% số vốn cả nước…
 
Hội nghị tổng kết 10 năm điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm.
 
Tuy nhiên hoạt động của tổ chức bộ máy vùng kinh tế trọng điểm có lúc còn bị động, hình thức, hiệu quả điều phối, phối hợp chưa cao; sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm vẫn còn mang tính tự phát, phạm vi liên kết còn đơn điệu, chưa có tính lâu dài, chuyên môn hóa…. Nguyên nhân là do tổ chức bộ máy điều phối chưa hợp lý, còn nhiều khiếm khuyết, thiếu cơ chế điều phối liên kết và thiếu nội dung xây dựng và tổ chức các hoạt động liên kết.
 
Trên cơ sở tổng kết 10 năm và kinh nghiệm quốc tế, các Bộ, ngành địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện mô hình điều phối cho giai đoạn tới, dựa trên 4 nguyên tắc là liên kết vùng cần xuất phát từ phía cầu, liên kết vùng phải là cách tiếp cận tạo giá trị gia tăng trong đó các bên tham gia đều có lợi; liên kết vùng phải đảm bảo quá trình ra quyết định xuất phát từ dưới lên và được triển khai thực hiện từ dưới lên. Đặc biệt, bộ máy chỉ đạo điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm sẽ giữ nguyên cấp Trung ương và cấp tỉnh, bổ sung cấp vùng.
 
Ông Lê Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề xuất: “Các Bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng các cơ chế chính sách đủ mạnh cho các vùng kinh tế trọng điểm phải có gì đó hơn các tỉnh khác. Muốn đạt được điều đó phải có chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm để các tỉnh có điều kiện khai thác tốt tiềm năng lợi thế ngoài việc nỗ lực phấn đấu vươn lên của từng tỉnh”.
 
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo, đến nay cả nước có 4 Vùng kinh tế trọng điểm với tổng diện tích tự nhiên 90.770 km2, chiếm 27,42% diện tích cả nước, dân số đến năm 2010 có 44,569 triệu người, bằng 51,27% dân số cả nước.
 
Tương ứng các Vùng kinh tế trọng điểm gồm các địa phương: Vùng Bắc bộ có 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng và Hưng Yên. Vùng Miền Trung có 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
 
Vùng Phía Nam có 8 tỉnh, thành phố: TP HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Và vùng ĐBSCL có 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau./.
 
Theo VOV.VN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo