Tin tức - Sự kiện

Căn cước công dân: Không thể nói là không thể làm giả

Phản bác lập luận Căn cước công dân mới “không thể bị làm giả”, phát biểu thảo luận Luật Căn cước công dân tại Quốc hội sáng nay 9.6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị kể lại chuyện “chúng ta” từng làm giả căn cước của chính quyền Sài Gòn để đưa người vào nội thành Sài Gòn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Về lâu dài, căn cước công dân là hướng đúng và cần thiết, nhưng cần có lộ trình phù hợp.

“Không thể nói là không thể làm giả - ông Phạm Quang Nghị nói - Thời chuyển từ tiền giấy cotton sang Polimer, Ngân hàng nói giời nói biển không thể làm giả. Giờ giả ầm ầm. Mình đã làm được người ta cũng làm giả được. Chưa nói đến câu chuyện “Người ta đi làm thẩm mỹ viện, quyền con người, mình không thể cấm, thì lại phải đi thay đổi ảnh, thay đổi căn cước”.

Theo ông, về lâu dài, căn cước công dân (CCCD) là hướng đúng và cần thiết. Nhưng cần có lộ trình phù hợp. Nhắc lại câu chuyện thực tế là CMTND 12 số mới đang làm, ông Nghị cho rằng nếu dùng CCCD thay cho CMTND 9 và 12 số thì vừa chồng chéo, vừa lãng phí tiền của. “Không nên bắt cả trăm triệu người phải làm cái một bộ phận phải làm. Làm theo cách này là tự mình làm khó mình, làm khó cho người dân”- ông nói.
 
Nhắc lại câu chuyện bao thế hệ nay CMTND gắn với người dân từ hộ chiếu, hộ khẩu, nhà đất…, theo Bí thư Phạm Quang Nghị, với CCCD này, chúng ta nói làm đơn giản hóa, nhưng nếu CCCD đã ra đời mà không có phương án với cái cũ thì có đơn giản được không? “CCCD chỉ nhằm chứng minh duy nhất 1 điều: Tôi là ai. Nhưng tôi là ai chưa hẳn đã chứng mình tôi là đoàn viên, tôi là đảng viên, chưa hẳn nói tôi làm gì. Không thể nói giơ ra cái này là giải quyết được mọi thứ”- ông nói.
 
Giám đốc CA TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng nêu thực tế, với thẻ CCCD, đang tồn tại 3 loại giấy: CMT 9 số. CMT 12 số và CCCD. “Đến 2020 chưa biết đã có thể thống nhất chưa”- ông nói. 
 
Nhắc tới con số 3.500 tỷ cho việc đổi CMTND, trong tình trạng “Hà Nội làm thí điểm từ 2005 đến giờ chưa được nghiệm thu, làm song cũng không thể sử dụng được do phần mềm của Nhật dùng trong chương trình không thể kết nối với bất cứ phần mềm nào đang sử dụng ở Việt Nam. Công nghệ Bungaria làm cho Hải Phòng từ 2009 đến nay chưa nhập được bao nhiêu”, ông Chung cho rằng nếu làm tiếp CCCD sẽ rất tốn kém. 
 
“Viết ra một cái luật, cần thiết, nhưng không đánh giá hết ảnh hưởng của nó thì sẽ gây tốn kém cho người dân”- ông Chung khẳng định.
 
Ủy viên Ủy ban KHCN và môi trường của QH Trần Thị Quốc Khánh nêu thực tế sự việc người vợ sinh con với người chồng quá cố đi khai sinh rất khó khăn nhưng luật lần này chưa có quy định gì. Hay vụ Cát Tường “không biết khai tử kiểu gì nếu theo quy định của luật này”. Bà Khánh cũng đề nghị luật phải có các quy định nghiêm cấm những hành vi trì hoãn, gây phiền nhiễu của cán bộ hộ tịch đối với dân.
 
Đề nghị “Cần ghi cả giờ sinh vào CCCD”, và khi hội trường ồ lên tiếng cười, bà Khánh tiếp tục khẳng định: Không! Giờ sinh giúp ích rất nhiều trong nhiều lĩnh vực. Đứng ở giác độ khoa học công nghệ, tôi nhấn mạnh điều này để phòng cho KHCN trong tương lai.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo