Thị trường

Cần giải quyết cái “gốc” của chuyện tăng lương

Nếu giữ được ổn định mức sống, tức là giữ được giá cả, giữ mức lạm phát thấp thì không cần phải tăng lương.

TS. Việt Hoa, giảng viên khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, tăng lương hay không không quan trọng bằng việc làm thế nào để giữ được ổn định mức sống. Nếu giữ được ổn định mức sống, tức là giữ được giá cả, giữ mức lạm phát thấp thì không cần phải tăng lương.

“Tăng lương chỉ là cái ngọn. Nếu bàn chuyện tăng hay không thì trước hết ta nên bàn xem giải quyết cái gốc của chuyện tăng lương như thế nào? Cái gốc ở đây chính là lạm phát cao, giá cả tăng vọt. Không giải quyết được cái gốc thì tăng lương hay không cũng không có ý nghĩa nhiều lắm. Đặt giả định, nếu tăng lương, nhưng không giữ ổn định được cái gốc, cái gốc tăng nhanh hơn thì cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả” – bà Việt Hoa lý giải.

Theo TS. Việt Hoa, đối với Việt Nam nói riêng và nhiều nước trên thế gới nói chung, tăng lương thường là vấn đề ảnh hưởng không tốt. Chỉ nghe “phong thanh” tin tăng lương thì giá cả đã tăng "đón đầu". Thế nên, nếu kìm hãm được vấn đề tăng giá cả, giải quyết được lạm phát thì tăng lương hay không người ta sẽ không bàn đến nhiều như hiện nay nữa.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, vấn đề tăng lương cho công nhân, viên chức cũng là một gánh nặng cho Chính phủ. Hiện tại, Chính phủ còn đang giảm bớt các khoản chi tiêu trong ngân sách. Lương cũng là một vấn đề Chính phủ quan tâm đến. Nếu lĩnh vực nào cũng đòi tăng chi phí thì Chính phủ lấy đâu ra ngân sách để thỏa mãn tất cả?.

Nếu năm 2013 chúng ta không tăng lương theo như lộ trình, song vẫn ổn định được giá cả ở mức như bây giờ hoặc chỉ tăng nhẹ, hạn chế được lạm phát thì cuộc sống của người dân vẫn đảm bảo, Chính phủ cũng không phải “đau đầu” chuyện nên tăng hay không tăng lương. Nhưng để giải quyết được cái gốc kia thì lại không phải là chuyện một sớm một chiều.

TS. Giang Thanh Long, Phó Viện trưởng Viện Chính sách Công & Quản lý, trường Đại học Kinh tế quốc dân và phụ trách Chương trình Cao học Kinh tế Phát triển (MDE) thì cho rằng: Để có câu trả lời cụ thể là nên hay không nên tăng lương trong năm 2013 cần phải có nghiên cứu lượng hoá tác động cụ thể cho từng nhóm dân số (ví dụ, doanh nghiệp buộc phải tăng lương thì tác động thế nào đến chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn khó khăn và cạnh tranh khốc liệt hơn; ngân sách Nhà nước dự kiến bỏ khoảng 60.000 tỷ đồng thì nguồn thu ở đâu và tác động đến ai…

Tuy nhiên, quan điểm của TS. Giang Thanh Long là Nhà nước nên điều chỉnh dần để đảm bảo “song hành” với chi phí cuộc sống đang ngày càng lớn và mức điều chỉnh tuỳ thuộc vào ngân sách, điều kiện kinh tế hiện có của nền kinh tế - cụ thể là với những nguồn đóng thuế chủ yếu như doanh nghiệp.

Với các đối tượng chính sách hưởng các khoản an sinh xã hội thì cần phải được ưu tiên, đảm bảo không xáo trộn cuộc sống của chính họ khi tăng lương (lý do thường khi tăng lương sẽ gây tâm lý tăng giá cả; nếu mức tăng an sinh thấp hơn mức tăng giá cả thì vô hình trung việc tăng lương lại tạo gánh nặng cho các nhóm thụ hưởng.

 

 

Việt Huế (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo