Thị trường

Cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế

Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 25/5 tại Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nêu đề xuất "cần kiểm soát độ mở nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội lực thị trường nội địa trong nước".

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế, độ mở kinh tế thông qua chỉ số giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP hiện nay đã đạt trên 190%. Với chỉ số này, Việt Nam trở thành nước thứ 7 về nền kinh tế có độ mở cao nhất.

“Thông thường, nước nào có độ mở cao rất dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới bị khủng hoảng hay suy thoái”, đại biểu nói và dẫn chứng năm 2017 độ mở kinh tế của chúng ta chỉ mới 140% nhưng khi khủng hoảng kinh tế, suy thoái kinh tế toàn cầu thì GDP đang tăng trưởng 8,46% đến năm 2009 chỉ tăng trưởng 5,32% tức là mất đi 3% do tác động bên ngoài.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận tại Quốc hội ngày 25/5. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị “chúng ta cần kiểm soát độ mở nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa trong nước. Chúng ta có hơn 93 triệu dân, đây là một thị trường rất hấp dẫn. Đó cũng là nơi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài 'nhòm ngó' và đã kích hoạt để mở hệ thống các kênh bán lẻ ở thị trường nước ta”.

Thu hút FDI có lựa chọn

 Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đại biểu dẫn số liệu cho rằng kể từ khi chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến nay đã 30 năm, đã thu hút được trên 370 tỷ USD và giải ngân 172 tỷ USD. Hiện nay, cả nước còn khoảng 24.800 dự án còn hiệu lực. Đầu tư nước ngoài đã có đóng góp nhất định cho nền kinh tế nước ta (20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu; tạo việc làm; đóng góp cho thu ngân sách). “Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài còn rất nhiều bất cập mà chúng ta cần phải khắc phục, như vấn đề môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định và đề nghị trong thời gian tới, chúng ta cần phải có một chiến lược định hướng thu hút FDI.

“Chúng ta vẫn rất cần FDI nhưng phải có định hướng và ưu tiên vào các tiêu chí như xanh, tức là đảm bảo môi trường sạch, phải đảm bảo lý lịch của doanh nghiệp không có những vết nhơ trong hoạt động kinh doanh, không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại; công nghệ cao, thích hợp gắn với cách mạng công nghiệp 4.0; có tính lan tỏa, tức là phải gắn với công nghiệp hỗ trợ trong nước và chuyển giao công nghiệp”, đại biểu nói.

Nên đọc
Theo Báo Chính phủ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo