Cần loại bỏ ưu đãi với doanh nghiệp nhà nước
'Hư' không sợ bị đòn
Trao đổi với PV, TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - Tài chính) cho rằng, trong chương trình tái cấu trúc nền kinh tế thực hiện thời gian tới, cần có sự quan tâm đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước. Đây là một trong những vấn đề mấu chốt nên tập trung thực hiện.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước hiện được hưởng 5 đặc quyền, đặc lợi, hay lợi thế tuyệt đối: Không sợ phá sản cho dù thua lỗ kéo dài, hay khi “khó có người giúp”; biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; tận dụng cơ chế xin - cho; ưu đãi tiếp cận vốn, vay không lo trả và đặc biệt ít bị kiểm tra giám sát cũng như “hư không sợ bị đòn”.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đặc quyền đặc lợi của doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ tư duy đến chủ trương của những người lập chính sách. Trong đó cốt lõi là, chưa làm rõ được vai trò chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; chưa tách bạch rõ nội hàm của thể chế quản trị quốc gia; lẫn lộn quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp và quản lý kinh doanh gắn với thiếu công khai minh bạch.
Vì vậy, để những “quả đấm thép” hoạt động thực sự có hiệu quả, cần mạnh tay bớt quyền ưu đãi đang được hưởng. “Hiện các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong quá nhiều ngành nghề. Nhiều ngành nghề không cần sự tham gia của nhà nước. Đa số tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa hoàn thành nhiệm vụ chức năng chủ yếu được giao, tình trạng thiếu hiệu quả, thậm chí thua lỗ phổ biến. Vì vậy, cần mạnh tay cải tổ khu vực này”- ông Ánh nói.
TS Nguyễn Đình Cung (Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương) cũng cho rằng, cần áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hiện, mỗi khi các tập đoàn, tổng công ty khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm thì bộ trưởng có liên quan thường trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp khác phải mua sản phẩm (liên quan) đang khó tiêu thụ. Hoặc khi tập đoàn, tổng công ty không còn cách nào khác để tìm vốn kinh doanh vẫn được nhà nước chỉ định cho vay với lãi suất rất thấp, thậm chí bằng 0%.
Cũng theo ông Cung, cần cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần thiểu số. Đây là con đường nhanh nhất, ngắn nhất để áp đặt kỷ luật thị trường cạnh tranh đối với doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, cần thực hiện và hoàn thành cổ phần hoá 89 doanh nghiệp độc lập thuộc bộ, 239 doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý, trong đó, tập trung trước hết vào các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch.
Như vậy, trong năm 2012 phải khởi động quá trình cổ phần hoá ở hầu hết các doanh nghiệp, đặt mục tiêu tối thiểu hoàn thành cổ phần hoá các doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 3 tỷ đồng.
“Trường hợp doanh nghiệp nhà nước gặp khó khăn, như không tiêu thụ được sản phẩm, không thanh toán được nợ đến hạn…, thì phải coi đó công việc kinh doanh của doanh nghiệp và thuộc trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc ban giám đốc. Các bộ, cơ quan nhà nước không được trực tiếp chỉ đạo giải quyết các khó khăn đó giúp doanh nghiệp. Nếu tự thân không giải quyết được thì cách chức, miễn nhiệm người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp chứ không làm thay, giúp họ giải quyết các khó khăn”- ông Cung đề xuất.
Nợ công tăng nhanh, thâm hụt ngân sách báo động
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân được tổ chức mới đây, PGS-TS. Lê Xuân Bá (Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) lưu ý, trong quá trình tái cơ cấu kinh tế thời gian tới, phải nâng cao hiệu quả đầu tư công. Với vốn trái phiếu chính phủ, trong giai đoạn 2012-2015 không bổ sung thêm dự án mới, đồng thời, tiếp tục rà soát, lựa chọn và sắp xếp lại dự án đã có trong danh mục sử dụng trái phiếu chính phủ (giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch riêng năm 2012).
Ngoài ra, cần đưa toàn bộ vốn đầu tư nhà nước, gồm cả vốn trái phiếu chính phủ và vốn đầu tư nhà nước ngoài ngân sách khác vào khuôn khổ chi tiêu trung hạn, tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Theo ông Bá, cần cải cách chính sách tài khóa và bắt đầu với kỷ luật tài khóa. Kỷ luật tài khóa ở Việt Nam đã bị buông lỏng trong một thời gian dài. Kết quả là tỷ lệ đầu tư rất lớn, nợ công tăng nhanh, thâm hụt ngân sách luôn ở trong tình trạng báo động, trong khi hiệu quả của chi tiêu lại thấp.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo