Cần một mô hình giám sát hiệu quả
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN Việt Nam) cho rằng: “nếu giám sát hợp nhất là một quy luật, một bước tiến của phát triển thì chúng ta phải theo. Tuy nhiên đến nay chưa ai khẳng định được mô hình này là tối ưu, vì vậy phải thận trọng tìm mô hình phù hợp với Việt Nam”.
Hệ thống giám sát tài chính Việt Nam đang có nhiều cơ quan cùng thực hiện nhưng vẫn thiếu một sự giám sát tổng thể đủ hiệu lực. Đó là những nội dung được bàn luận trong Toạ đàm “Cấu trúc giám sát thị trường tài chính Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị chính sách”.
Hiện, thị trường tài chính Việt Nam đang được giám sát theo mô hình phân tán. Phần lớn các diễn giả đều thống nhất quan điểm thị trường tài chính Việt Nam cần được giám sát theo mô hình giám sát hợp nhất.
Rủi ro đang rình rập
“Tình hình đang nóng như hòn than trên tay. Tôi không biết rồi sẽ thế nào đây”, TS. Lê Đăng Doanh mở đầu phần phát biểu của mình về vai trò của hệ thống giám sát tài chính.
Ông nói, những năm vừa qua, thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam đã phát triển rất nhanh, đó là một điểm tốt. Tuy nhiên, “một cỗ xe chạy nhanh cũng cần phải có phanh tốt đi kèm, nhưng dường như ở Việt Nam, cái phanh chưa tốt, và cũng dường như người cầm lái chưa biết dùng phanh”.
Theo ông, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác giám sát tài chính đang là vấn đề thời sự, cũng như sự quan tâm của công luận. Người ta muốn biết hệ thống tài chính Việt Nam đang hoạt động thế nào, được giám sát ra sao. Ông dẫn ra trường hợp Trung Quốc, mặc dù đang tăng trưởng tốt, lạm phát thấp nhưng đã có nhiều cảnh báo Trung Quốc sẽ gặp rủi ro lớn và sẽ rơi vào tình trạng hạ cánh cứng.
“Chưa có gì để nói rằng mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam hiện nay không hiệu quả, và cần thay đổi. Nhưng với thực trạng hệ thống tài chính hiện nay, và những bài học từ các cuộc khủng hoảng trên thế giới cho thấy, cần phải sớm bàn đến mô hình giám sát tài chính cho Việt Nam”, GS-TS.Tô Ngọc Hưng – Giám đốc Học Viện Ngân hàng phát biểu.
Chưa ai chỉ rõ, Việt Nam sẽ rơi vào khủng hoảng nào, nhưng ai cũng cho rằng, rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam đã có những biến động lớn và đã có những rủi ro vượt tầm kiểm soát hiện nay.
Cụ thể là ngân hàng cho vay những công ty liên quan như đầu tư vào trái phiếu DN, uỷ thác đầu tư vào các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính, những công ty chứng khoán cho vay hợp đồng đầu tư; hiện tượng đặt cọc tại ngân hàng để mua trái phiếu, cổ phiếu của DN khác, các khoản đặt cọc này cũng được coi là tài sản đảm bảo cho khoản vay đầu tư ở nơi khác…
Bên cạnh đó là hoạt động ngân hàng ngầm thể hiện ở các hoạt động repo chứng khoán, giao dịch ký quỹ, hoạt động mua bán nợ có truy đòi, hoạt động mua bán khống trên thị trường OTC và các sản phẩm hoán đổi tín dụng… Việc công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm đầu tư nắm giữ của công ty đối tác cũng là một dạng rủi ro.
Chưa kể “các dòng tiền đang chạy vòng quanh trong thị trường tài chính rất khó theo dõi cũng như đánh giá tác động; các hình thức kinh doanh của các định chế tài chính có an toàn, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng hay không” cũng được xem là những hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, TS. Hà Huy Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia phát biểu.
Nếu không có cái nhìn hợp nhất, sự giám sát hợp nhất sẽ rất khó phát hiện được dòng tiền và độ nóng của dòng tiền đi đến đâu, để kịp thời có biện pháp kiểm soát, hạn chế rủi ro.
Hiện nay, ở Việt Nam đang có 5 cơ quan có trách nhiệm giám sát tài chính. Đó là Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Giám sát ngân hàng bảo hiểm (Bộ Tài chính), Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang theo mô hình giám sát phân tán, và với mô hình như thế này sẽ không hiệu quả, khi mà, những cuộc khủng hoảng trên thế giới cho thấy những bài học nhãn tiền. Ông Daniel Zuberbuhler - Cố vấn tài chính cao cấp của KPMG (Thuỵ Sỹ) cho rằng, cần phải thay đổi mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam.
Bởi, theo ông, với những quy định về chức năng, quyền hạn của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia hiện nay khiến tổ chức này không phát huy hiệu quả vì vẫn chỉ là tư vấn cho Thủ tướng chứ chưa thực sự giám sát thị trường và hệ thống tài chính. Ông đề nghị cần nâng cấp Ủy ban với gợi ý Việt Nam nên theo mô hình giám sát hợp nhất. Ý kiến của ông nhận được nhiều đồng tình. Trên thế giới đã nhiều nước chuyển theo mô hình này.
Tìm luồng gió đổi mới thể chế
Một số ý kiến lại cho rằng khó có thể thay đổi mô hình giám sát ở Việt Nam hiện nay, bởi như thế sẽ phải sửa rất nhiều luật liên quan. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN Việt Nam) cho rằng: “nếu giám sát hợp nhất là một quy luật, một bước tiến của phát triển thì chúng ta phải theo. Tuy nhiên đến nay chưa ai khẳng định được mô hình này là tối ưu, vì vậy phải thận trọng tìm mô hình phù hợp với Việt Nam”.
Cùng quan điểm, ông Bùi Đức Thụ - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bàn mô hình giám sát hiệu quả cho Việt Nam là bàn để tìm “luồng gió đổi mới” về thể chế chứ không nên chỉ làm phép cộng các cơ quan giám sát hiện nay. “Mô hình nào là tối ưu, cần phải chú trọng xem xét đến cả tính văn hoá, lịch sử và chính trị của từng quốc gia. Nhưng cũng phải tìm ra lỗ hổng trong giám sát của Việt Nam hiện nay”, ông Thụ phát biểu.
Còn TS.Lê Xuân Bá - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương thẳng thắn cho rằng, câu chuyện có một cơ quan giám sát hợp nhất sẽ “khó lắm, không làm được đâu”, nó không khác gì câu chuyện tìm người thực hiện chức năng chủ sở hữu DNNN mà Viện ông đã nghiên cứu từ năm 1995 đến nay vẫn được Chính phủ giao… tiếp tục nghiên cứu!
Cho dù vẫn chưa có được sự thống nhất về mô hình nào cho hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam, nhưng có một điểm đồng thuận từ cả 2 chiều ý kiến, đó là: Khả năng giám sát còn nhiều yếu kém. Hiện mới chỉ dừng ở khâu giám sát, thanh tra xem có tuân thủ quy định hay không mà chưa giám sát được rủi ro. Vì vậy, cần nâng cấp địa vị pháp lý và hiệu lực của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mà cụ thể là cần có một nghị định của Chính phủ về vấn đề này.
Cả ông Doanh, ông Thụ, ông Hưng, ông Nghĩa và ông Bá đều cho rằng, nếu chỉ với những văn bản thỏa thuận cung cấp thông tin đã ký kết giữa Ủy ban Giám sát với các cơ quan liên quan như hiện nay, thì vấn đề sẽ chẳng đi đến đâu. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cần có được sự liên thông với các cơ quan thanh tra giám sát liên ngành; được quyền yêu cầu các cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành thanh tra, giám sát theo vấn đề mà Ủy ban thấy cần phải làm để báo cáo, tham mưu với Thủ tướng để có chính sách kịp thời.
Công Duy
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo