Cần nghiên cứu thực tế về nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ hoành hành
Trao đổi về nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ hoành hành và liên tiếp cắn người trong thời gian qua, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, vẫn cần có nghiên cứu thông tin cụ thể tại các địa phương mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số giả thuyết như: thời tiết năm nay ấm áp hơn, thuận lợi cho rắn sinh sản (rắn thường giao phối vào khoảng tháng 3-5, sinh sản từ tháng 8 đến tháng 11).
Cũng có thể do nguồn thức ăn dồi dào hơn và sinh cảnh sống phù hợp đã kích thích sự phát triển của rắn lục, đặc biệt là ở các khu dân cư ven rừng.
Theo TS. Nguyễn Quảng Trường – Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, rắn lục phân bố ở vùng rừng trong cả nước, kể cả các đảo lớn. Rắn có chiều dài khoảng 40-65 cm, lưng màu xanh lá cây, đôi khi có các vệt trắng mờ ngang thân, hai bên sườn có sọc màu trắng sát với bụng (sọc này thường không có hoặc rất mờ ở con cái), phần mút đuôi thường có màu đỏ tía (nên gọi là rắn lục đuôi đỏ).
Rắn sống trên đất hay trên cây (thân bám và đuôi cuộn vào cành cây treo mình để rình mồi), cách mặt đất từ 0,2-1,5 m. Thức ăn của chúng là những loài động vật có xương sống như thú nhỏ, thằn lằn, ếch nhái, có khi ăn cả côn trùng. Rắn lục thường không chủ động tấn công người.
Các nhà khoa học, chuyên gia đưa ra lời khuyên để tránh rắn xâm nhập vào nhà cần phát quang các bụi rậm, dây leo quanh nhà. Rắn thường ra hoạt động ban đêm, nếu đi lại vào ban đêm cần có đèn pin soi hai bên lối đi để kịp thời phát hiện rắn ở ven đường đi. Trong trường hợp đi rừng cần đi giầy, ủng. Khi bắt rắn cần có dụng cụ (gậy, kẹp, găng tay da)
Cơ quan y tế khuyến cáo, nọc độc của rắn lục thường tác động lên hệ tuần hoàn gây rối loạn đông máu, sưng nề hoặc hoại tử. Nọc độc của rắn lục thường không tác dụng lên hệ thần kinh như nhóm hổ mang, cạp nong, cạp nia nên không gây liệt. Người bị rắn cắn cần hạn chế vận động tối đa vì vận động sẽ làm tăng nhanh quá trình tác động của nọc đến các phần khác của cơ thể.
Khi bị cắn nên đưa bệnh nhận đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và tiêm huyết thanh chống độc. Đối với rắn lục không nên rạch vết thương vì có thể làm mất máu cấp. Nếu có thể nên bắt con vật cắn đem theo đến bệnh viện để bác sĩ xác định đúng chủng loại huyết thanh cần sử dụng. Không ga-rô bằng dây cao su vì dễ gây hoại tử. Không rạch vết cắn, hút máu từ vết cắn (bằng ống hút hoặc miệng), đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc và không biết chính xác tác dụng vì có thể gây nhiễm trùng.
Do mỗi con rắn chỉ tiêm một phần của nọc độc của nó trong mỗi lần cắn. Vì vậy, chúng vẫn có thể tiếp tục gây tổn thương sau khi đã cắn lần đầu tiên. Một con rắn đã chết, thậm chí một cái đầu rắn bị cắt rời, vẫn có thể cắn và phóng nọc độc theo phản xạ cho đến 90 phút sau khi chết (đã có trường hợp đầu bếp ở Trung Quốc bị đầu rắn hổ mang cắn khi chế biến thức ăn từ rắn)
Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện tại Việt Nam đã sản xuất được huyết thanh kháng nọc độc của rắn lục đuôi đỏ. Trước tình trạng rắn lục đuôi đỏ liên tục tấn công người dân miền Tây và miền Trung trong thời gian qua, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc thực hiện tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong.
Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do bị rắn độc cắn có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai theo đường dây nóng của Bệnh viện Bạch Mai - 0969 851 616.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%