Cần sớm xây dựng thương hiệu gạo Việt
(tuoitre) Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết tỉ lệ giống lúa xác nhận tại ĐBSCL bình quân hiện chỉ đạt 30%, phần lớn nông dân vẫn giữ tập quán tự để lại lúa giống sản xuất thâm canh nhiều vụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá trị hạt gạo của VN thấp, trong khi thị trường xuất khẩu gạo những năm gần đây cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Ông Nguyễn Quốc Lý, Phó giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam Bộ (thuộc Bộ NN&PTNT), cho rằng việc canh tác giống kém chất lượng còn chiếm tỉ lệ cao ở một số vùng là do giống lúa này vẫn có thị trường tiêu thụ nhất định tùy theo số lượng và thời điểm giao hàng xuất khẩu. Theo ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, việc có quá nhiều giống lúa đưa vào sản xuất khiến gạo VN xuất khẩu với giá trị thấp. Do đó lời giải cho thị trường xuất khẩu gạo phải xuất phát từ câu chuyện giống lúa xác nhận phù hợp với điều kiện của từng vùng.
Ông Ngô Văn Giáo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN, cho biết đến năm 2020, theo đề án phát triển giống trồng trọt do Thủ tướng Chính phủ ban hành, tỉ lệ sử dụng giống xác nhận hoặc tương đương (giống tốt) phải đạt 70-85%, chấm dứt tình trạng các hộ sử dụng thóc thịt làm lúa giống. Tuy nhiên, mục tiêu này khó thực hiện nếu ngành nông nghiệp không nỗ lực hơn nữa. Với diện tích trồng lúa toàn vùng ĐBSCL khoảng 4,1 triệu ha, nhu cầu lúa giống lên tới khoảng 490.000 tấn/năm.
Nếu muốn đáp ứng 30% tổng nhu cầu, thị trường lúa giống ĐBSCL hiện cần tới 147.215 tấn/năm. Trong khi đó, các trung tâm giống hiện chỉ cung ứng được 3.000-5.000 tấn/năm, thậm chí thấp hơn. Nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn, cũng không vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất giống. Thực tế tại ĐBSCL hiện chỉ duy nhất Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang có sản xuất giống.
Để giải quyết vấn đề này, ông Giáo đề nghị Bộ NN&PTNT và các địa phương cho phép các trung tâm giống được “công ty hóa” hoặc cổ phần hóa nhằm có điều kiện pháp lý, nhất là về mặt tài chính, để đơn vị hoạt động. Có như vậy mới hi vọng có thể đạt được mục tiêu sử dụng giống lúa xác nhận từ 70-85% vào năm 2020 mà đề án của Chính phủ đã đề ra.
Ông Nguyễn Quốc Lý cho biết thực tiễn sản xuất và mục đích xây dựng thương hiệu gạo VN đang đòi hỏi phải có những giống lúa năng suất cao, chất lượng đảm bảo xuất khẩu, đồng thời phải kháng được sâu bệnh, chống chịu được với những diễn biến bất thường của thời tiết, thủy văn và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Đã đến lúc cần thiết phải có một chương trình quốc gia xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu VN. Trước mắt, có thể bắt đầu với một số thương hiệu gạo như gạo trắng hạt dài VN, gạo thơm jasmine VN, gạo đặc sản VN...” - ông Lý nói. Một số ý kiến cho rằng nên tổ chức sản xuất giống dựa vào mô hình “cánh đồng mẫu lớn” hướng tới xây dựng thương hiệu lúa gạo thuần chủng cho từng vùng, từng địa phương.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết Thủ tướng đã phê duyệt chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó lúa gạo là sản phẩm ưu tiên số một. Hiện Bộ NN&PTNT đã giao Cục Trồng trọt chủ trì làm đầu mối phối hợp với tất cả viện nghiên cứu, các tỉnh thành xây dựng khung đề án phát triển sản phẩm quốc gia (lúa, nấm ăn, nấm dược liệu và cá tra). “Đề án này sẽ bao gồm các khâu từ chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng và năng suất cao, ổn định cho tới tổ chức xây dựng thương hiệu gạo VN phục vụ xuất khẩu... tạo thành một chuỗi sản xuất - kinh doanh hoàn thiện, chứ không chỉ có mỗi khâu sản xuất, ông Doanh nói.
Khoa Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo