Cần sửa Luật Cư trú để bảo vệ trẻ em tốt hơn
(TNO) Theo ĐB Ngô Thị Minh, thời gian qua, tình trạng nhiều nhà hàng, khách sạn, hộ gia đình... sử dụng lao động trẻ em và người chưa thành niên làm ô sin (người giúp việc gia đình - PV) trái pháp luật, không khai báo tạm trú, không có hợp đồng lao động, không có giấy ủy quyền của gia đình hoặc người giám hộ diễn ra phổ biến và phức tạp ở nhiều nơi.
Bà Minh dẫn ra nhiều ví dụ, giai đoạn 2008 - 2010 cả nước xảy ra gần 4.000 vụ bạo hành trẻ em, mỗi năm cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em... để cho thấy đang có xu hướng ngày càng có nhiều trẻ em từ vùng nông thôn, miền núi đến thành phố để kiếm việc làm và bị bóc lột sức lao động, hoặc bị xâm hại.
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế tài để bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, tình trạng nói trên, theo ĐB Ngô Thị Minh, là có sự bất cập của Luật Cư trú hiện hành: thiếu các quy định cụ thể về quản lý người tạm trú, lưu trú đối với trẻ em chưa thành niên.
“Nhiều trường hợp cơ quan chức năng đến kiểm tra thì người sử dụng lao động nhận là con cháu trong gia đình”, ĐB Minh nói.
Từ thực trạng trên, vị ĐB này đề nghị bổ sung quy định về đăng ký tạm trú theo hướng trường hợp người chưa đủ 18 tuổi thì phải có ý kiến của người giám hộ hoặc văn bản chứng minh mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú.
Bên cạnh đó, bà Minh cũng đề nghị bỏ quy định "thông báo lưu trú đối với người từ 14 tuổi trở lên" và thay bằng "bất cứ đối tượng nào thay đổi lưu trú cũng phải thông báo"; bổ sung khoản mới về trách nhiệm của cơ quan công an trong quản lý cư trú, xây dựng văn bản quy chế để được kiểm tra đột xuất tình trạng lưu trú, tạm trú ở các khách sạn, nhà hàng hoặc hộ gia đình, đối chiếu với thông tin khai báo và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với trẻ em.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng luật quy định quyền công dân được tự do cư trú phải gắn với các quyền khác, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng và mỗi công dân.
Thái Sơn
End of content
Không có tin nào tiếp theo