Cần tăng tốc tái cơ cấu
Đó là những khuyến nghị lớn đặt ra tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012.
Từ ổn định đến phục hồi
Diễn đàn đã được nghe các đóng góp ý kiến về môi trường đầu tư ở Việt Nam trong phần đầu.
Đại diện Phòng thương mại châu Âu (EuroCharm) cho biết chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của Việt Nam giảm từ 70 xuống còn 53 điểm, và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong ngắn hạn.
Việt Nam đã tụt tám bậc trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới, xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước được xếp hạng, cũng là lời cảnh báo lớn cho cơ quan ban hành chính sách.
Những yếu tố đang yếu kém đi là việc cấp phép, đăng ký tài sản, đóng thuế và tiếp cận tín dụng. Tuy vậy, EuroCham vẫn tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn.
Theo trưởng nhóm công tác ngân hàng của VBF - Louis Taylor, những nỗ lực gần đây của Ngân hàng Nhà nước trong việc giải quyết thanh khoản, xếp hạng và sáp nhập ngân hàng… là rất đáng ghi nhận.
Ông Louis Taylor bày tỏ thái độ ủng hộ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện mục tiêu điều hành khối lượng tăng trưởng tín dụng tổng thể của nền kinh tế và cách thức hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào đầu tư hơn là vào tiêu dùng.
Ông Louis Taylor đề nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên cho phép tăng tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng Việt Nam lên trên mức 20% theo quy định hiện hành (riêng đối tác chiến lược có thể tối đa 30%), xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng ngoại, đặc biệt là ngân hàng mới thành lập.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, bổ sung và trình Chính phủ dự thảo thay thế Nghị định số 69 về tổ chức nước ngoài góp vốn, mua cổ phần. Theo đó, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư ngoại sẽ được nới rộng hơn.
“Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã và đang được tiến hành mạnh mẽ. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, bám sát xu hướng thị trường. Thực hiện công tác xử lý lại nợ giữa các ngân hàng, giãn đảo nợ cho những doanh nghiệp có tiềm năng kinh doanh tốt” - ông Hưng nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia quốc tế cho rằng yêu cầu cấp thiết được đặt ra là phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước) và ngân hàng. Rất nhiều ý kiến đã đề cập trường hợp của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn độc quyền sản xuất kinh doanh ngoài ngành. |
Chống hối lộ, cứu doanh nghiệp
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI từ đầu năm đến nay, các chỉ số liên quan hoạt động doanh nghiệp xấu đi, lợi nhuận giảm, hàng tồn kho nhiều. Trong khi đó, chi phí vốn quá cao, thị trường bị thu hẹp nên doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn.
Đại đa số doanh nghiệp hiện lâm vào tình trạng rất khó khăn khiến số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể gia tăng. “Mức độ lạc quan của doanh nghiệp thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ là kém lạc quan nhất. Theo thống kê, đến nay đã có tới 8,4% số doanh nghiệp giải thể, ngừng sản xuất” - ông Lộc nói.
Ông Trần Anh Vương - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội đề xuất: Chính phủ cần trợ giúp doanh nghiệp bằng nguồn tiền có lãi suất ưu đãi, dựa trên các tiêu chí về công nghiệp, công nghệ và đảm bảo việc làm.
Ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EroCham) tại Việt Nam cho biết, hối lộ và tham nhũng đang ảnh hưởng đến quản trị doanh nghiệp và sự hoạt động hiệu quả, trôi chảy của doanh nghiệp. Hối lộ và tham nhũng cũng cản trở hoạt động đầu tư và làm xói mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2011 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số thấp, xếp hạng 112 trên tổng số 183 quốc gia với điểm số 2,9.
Thực tế, không chỉ các doanh nghiệp châu Âu mà ngay các doanh nghiệp Việt Nam đều cho tham nhũng là một vấn nạn lớn nhất hiện nay. Tham nhũng đang ảnh hưởng đến hoạt động thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam và có tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tham dự và phát biểu tại VBF, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp đối với Việt Nam.
Trong năm 2012, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế Việt Nam vẫn còn có nhiều khó khăn, thách thức như: tốc độ tăng trưởng các tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ; khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn còn hạn chế; số doanh nghiệp phá sản, giải thể có chiều hướng gia tăng...
“Nhiệm vụ của Chính phủ là tập trung cao độ để tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Muốn vậy, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến khuyến nghị quý báu để hoàn thiện chính sách” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều