Cần tập trung vào những ngành trọng điểm
Theo mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...”. Để phát triển ngành công nghiệp - được coi là “chân núi” - cần phát triển một số ngành mũi nhọn - “đỉnh núi”. Để thực hiện điều này, cần phải có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành và DN.
Đứng ngoài “cuộc chơi”
Với dân số gần 90 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trung bình khoảng 7,5% trong những năm qua, cho thấy tiềm năng to lớn của các ngành công nghiệp. Ngoài cơ hội về thị trường trong nước, việc Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN và trở thành thành viên của WTO đã thúc đẩy XK và tác động lớn đến sự phát triển của các ngành công nghiệp. Tại nhiều hội thảo, ý kiến các chuyên gia đều chung một nhận định rằng, để ngành công nghiệp Việt Nam sớm trở thành một ngành công nghiệp hiện đại, cần lựa chọn một số ngành trọng điểm để phát triển, gồm công nghiệp nặng, điện tử, công nghiệp ô tô và thế mạnh của một nước nông nghiệp là công nghiệp chế biến. Từ đó, những mũi nhọn này sẽ kéo theo sự phát triển của cả nền công nghiệp.
Tại cuộc hội thảo về chiến lược công nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp điện tử là một ngành cần được quan tâm phát triển trong quá trình phát triển nền công nghiệp nói chung. Phản ánh thực trạng hiện nay của ngành điện tử Việt Nam, ông Hoài cho biết, sản phẩm điện tử đã XK đi gần 50 nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, kim ngạch XK của ngành công nghiệp điện tử đã đạt được khoảng 18 tỷ USD. Đây là một con số đáng vui mừng trong bức tranh rất xấu của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, hơn 90% kim ngạch XK lại do khối FDI thực hiện.
Hiện nay, một số tập đoàn nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản như Samsung, Canon, Brother... đã đầu tư các dự án có qui mô tương đối lớn ở Việt Nam. Vừa qua, Samsung đã khởi công dự án có tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, đầu tư nhà máy sản xuất thứ hai tại Thái Nguyên. Đây là dự án có qui mô lớn, có sức lan tỏa để ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển. Chỉ riêng nhà máy điện thoại di động của Samsung Bắc Ninh đã cần đến 200 nhà cung cấp, trong đó khoảng 50 nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên, các DN Việt hầu như không lọt vào được chuỗi cung ứng này, có chăng cũng chỉ cung cấp những vật tư linh kiện đơn giản. Như vậy, chìa khóa của ngành điện tử lại trở thành bài toán của ngành công nghệ phụ trợ nói chung và sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử nói riêng.
Kém sức cạnh tranh
Không chỉ ngành điện tử, tình trạng công nghiệp hỗ trợ yếu cũng tồn tại ở những lĩnh vực quan trọng khác của nền công nghiệp như chế biến thực phẩm, sản xuất ô tô, xe máy… Nhìn từ góc độ của cơ quan quản lý đã vậy, còn từ góc độ của DN cũng có thể thấy một thể trạng yếu của công nghiệp Việt Nam. Lấy ví dụ về ngành công nghiệp chế biến, một ngành được coi là thế mạnh của công nghiệp Việt Nam. Là một trong những DN có hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất chế biến, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với một hạ tầng thương mại bán lẻ quy mô trên cả nước luôn có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Mai Khuê Anh, Phó Tổng giám đốc điều hành Hapro, chỉ cần phân tích một khu vực trọng điểm là thành phố Hà Nội cũng có thể thấy những yếu tố nào khiến cho ngành sản xuất, chế biến chưa phát triển.
Ước tính một năm thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 600 nghìn tấn thịt hơi các loại, sản lượng sữa tiêu thụ khoảng 250 ngàn tấn/năm. Có thể thấy sự gia tăng mạnh mẽ này là cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất chế biến phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù được đánh giá là có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp chế biến nhưng cũng như hầu hết các tỉnh, thành phố, Hà Nội vẫn chưa phát triển được nhiều trung tâm chế biến thực phẩm lớn với những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Các DN chế biến thực phẩm hiện nay đều vì mục tiêu đạt lợi nhuận cao nên chỉ tập trung vào khâu cuối cùng mà không tập trung vào những khâu sơ chế, tạo nguồn nguyên liệu ban đầu. Trong khi đó công tác quy hoạch cũng như các chính sách của Nhà nước đối với ngành công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn chưa thực sự đồng bộ, thậm chí còn một số hạn chế nên chưa kích thích, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của ngành.
Chính sách rõ ràng
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bà Khuê Anh cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là Chính phủ có những biện pháp quản lý thị trường rõ ràng, rành mạnh để cho các cơ sở, DN sản xuất chế biến thực phẩm không thể lách luật và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cung cấp các thông tin, minh bạch về thông tin thị trường để người dân cũng như nhà sản xuất có thể bảo vệ lợi ích.
Trên phương diện của mình, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài cho rằng, để DN quyết định đầu tư sản xuất một mặt hàng nào đó, DN phải xem xét đầu ra, trong đó, các yếu tố như giá cả, chất lượng và khả năng đáp ứng là các yếu tố quyết định. Các yếu tố hỗ trợ của Nhà nước chỉ là biện pháp bổ sung. Ngoài ra, hiện nay, dung lượng thị trường của các DN thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ do chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng. Theo ông Hoài, việc ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian qua khó phát triển ngoài những nguyên nhân như môi trường đầu tư, năng lực yếu còn có yếu tố chuyển giá của các DN FDI. Đây có thể là một nguyên nhân cốt lõi khiến ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khó có cơ hội để phát triển.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ nào, nhà quản lý và DN đều có chung nhận định, để có sự phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp, cần có sự phối hợp đồng bộ của bộ ngành các cấp và DN, đồng thời thực hiện đúng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp Việt Nam nói riêng.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cột tin quảng cáo