Thị trường

Cận Tết 2018, giá hồ tiêu vẫn khủng hoảng, người dân khóc ròng

Nói gì thì nói, khủng hoảng hồ tiêu đã xảy ra rồi. Nếu 5 năm trước, hồ tiêu được coi là “vàng đen” của Gia Lai, thì từ năm 2017 tới nay, hồ tiêu đã thành “vận đen” của rất nhiều hộ nông dân trồng loại cây này.

Khi mà cả Lào và Campuchia đều đổ xô trồng hồ tiêu, còn diện tích loại cây này ở Việt Nam thì tăng gấp 3 lần chỉ trong vòng 8 năm gần đây (từ 2010 đến 2017), sản lượng cũng tương ứng tăng gần 3 lần trong khoảng thời gian đó.

Những con số hồ hởi này đã thành thảm họa từ năm ngoái tới nay, khi giá hồ tiêu thế giới giảm sâu. Cây hồ tiêu thì bị đủ thứ dịch bệnh khiến nông dân trồng hồ tiêu đột nhiên từ chỗ giàu có chuyển sang nghèo khổ, nợ vay ngân hàng không trả được.

Bây giờ có nói gì thì thảm cảnh cũng đã xảy ra rồi. Ngành Ngân hàng phải có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ cho nông dân, còn ngành Nông nghiệp và PTNT thì phải tìm hiểu cho được vì sao cây hồ tiêu “chết đứng” và tìm cho ra các phương thức phòng trừ bệnh.

Giá hồ tiêu hiện nay trên thị trường chỉ còn từ 62.000-65.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với cùng kì năm 2017. 

Chưa hết, phải lập tức khuyến cáo nông dân ngừng ngay việc trồng mới hồ tiêu, đồng thời chuyển những vùng đất không thích hợp để trồng hồ tiêu sang trồng những loại cây khác. Nghĩa là phải “triệt để giảm” diện tích hồ tiêu, chỉ giữ lại những diện tích có khả năng vượt qua giai đoạn hiểm nghèo này.

Nếu không thấy đây là một thảm họa thì sẽ không có những phương án kịp thời và hữu hiệu để chống chọi, để vượt qua. Giá hồ tiêu rớt, một phần cũng do chất lượng hồ tiêu xuống cấp quá nhanh. Mấy năm trước, bạn bè tôi trên cao nguyên thỉnh thoảng gửi tặng hồ tiêu “nhà trồng được”, những hạt tiêu có chất lượng rất tốt, vừa thơm ngon vừa chắc hạt.

Vừa rồi, tôi cũng nhận được quà là hồ tiêu từ cao nguyên, nhưng chất lượng hạt tiêu giảm hẳn, vừa lép vừa nhạt, không thơm. Với chất lượng ấy thì không thể mong có giá cao trên thị trường được.

Chưa kể, mấy năm trước, nhiều hộ trồng hồ tiêu đã mua phải những loại giống không tốt. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh khiến hồ tiêu chết hàng loạt.

Đứng về tầm vĩ mô, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã không lường trước được những nguy cơ này và kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Thậm chí, ngành chức năng còn phấn khởi báo cáo thành tích đã trồng diện tích hồ tiêu vượt kế hoạch. Đó là bài học mà nông nghiệp Việt Nam luôn mắc phải, nhưng khi nhận ra thì mọi sự đã muộn màng.

 

Vậy làm sao để quản lý được sự phát triển của cây hồ tiêu?

Nếu cơ quan chức năng từ cơ sở không quản lý được diện tích trồng hồ tiêu và kịp thời báo lên cấp trên những vấn đề nóng của loại cây trồng này, còn các cơ quan chức năng cấp cao hơn không đưa ra được bất cứ giải pháp gì thì cây hồ tiêu “chết chắc”.

Nông dân của chúng ta chưa đủ trình độ khoa học kỹ thuật để xử lý những vấn đề phát sinh từ cây hồ tiêu, từ khâu chọn đất, chọn giống tới khâu chăm sóc, bón phân, dùng thuốc bảo vệ thực vật…Vì vậy, việc họ bị phá sản bởi cây hồ tiêu trong khi các cơ quan chức năng “đứng ngoài” là chuyện thấy rõ.

Đầu tư cho mỗi trụ hồ tiêu cần số tiền lớn. Nhưng khi cây đột ngột chết, coi như người nông dân trắng tay.

Nếu 8 năm qua, diện tích hồ tiêu tăng gấp 3 lần, thì nên chăng, bắt đầu từ năm nay, diện tích đã trồng hồ tiêu cần “giảm sâu” xuống. Chỉ với diện tích khả dụng mới có thể quản lý và bảo vệ cho sự phát triển bền vững của cây hồ tiêu. Và từ đó, các biện pháp kỹ thuật cần được triển khai đồng bộ tới các hộ trồng hồ tiêu, và trong chuyện này, sự trợ giúp về khoa học kỹ thuật phải được đặt lên hàng đầu.

 

Muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững, phải chăm lo để từng loại cây trồng có thể phát triển bền vững. Giá cả có thể xuống trong một thời gian, nhưng nếu chất lượng sản phẩm tốt, đạt chuẩn, giá sẽ lại lên.

Nên đọc
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo