Tin tức - Sự kiện

Cẩn thận khi dùng nến

Hiện nay nhiều người có sở thích lấy nến thay đèn để tăng thêm sự lãng mạn, lung linh, cho mỗi căn phòng ... Nhưng đằng sau nó là những tác hại khôn lường đến sức khỏe.

Nến càng thơm - tính độc hại càng cao

 

Gần đây, xu hướng chơi nến nghệ thuật (nến thơm) ngày càng trở nên phổ biến với nhiều chủng loại và mùi khác nhau. Trên thị trường, một số loại nến có tinh dầu còn được giới thiệu có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng...

 

Mặc dù ánh sáng của những ngọn nến có thể tạo ra một không gian lãng mạn, nhưng các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Hóa học Mỹ mới đây đã khuyến cáo mọi người nên cảnh giác và sử dụng lượng nến phù hợp. Để chứng minh, họ đã thắp rất nhiều loại nến trong phòng thí nghiệm, sau đó thu thập và kiểm tra các chất khí toả ra.

 

Kết quả, sáp paraffin làm nến chứa một lượng lớn các chất gây hại như toluen và benzen. Một số chất khác gây suyễn và các bệnh về da. Đặc biệt, khói của nến thơm được tạo ra từ sáp paraffin có chứa thành phần độc hại, nếu sử dụng thường xuyên, trong môi trường kín, thì những chất này sẽ tích tụ, làm tăng tình trạng đau đầu, nghẹt mũi, ngứa họng, đau mắt, gây choáng, viêm xoang, tổn thương hệ thần kinh trung ương, ung thư...

 

Mới đây trang tin giáo dục phi lợi nhuận LEAD Action News cũng cảnh báo, nến thơm có thể sản sinh aerosolised, loại chất độc gây ra các vấn đề về hô hấp như hen suyễn. Bên cạnh đó, khi dùng nến, các hạt bồ hóng sinh ra trong không khí sẽ gây hại cho phổi.

 

Về vấn đề này, TS Lê Thành Phương - Hội Hoá học TP Hồ Chí Minh khẳng định, đa số nến thơm đều sử dụng các hương liệu tổng hợp. Nến có mùi càng thơm thì càng có nhiều hoá chất độc hại. Nhiều chất trong các sản phẩm có hương thơm đã được chứng minh có độc tính cao cho sức khoẻ con người như aeton, toluen, focmaldehit, benzen, metylen clorua...

 

Tác hại thường thấy của việc lạm dụng hương thơm đó là nó có thể gây kịch phát các cơn hen (suyễn) nhiều khi rất trầm trọng ở cả người lớn lẫn trẻ em... ThS Nguyễn Thị Minh- Hội Lao và bệnh phổi Việt Nam thông báo, có khoảng 2% dân số thế giới mắc các chứng dị ứng với hương liệu làm cơn hen suyễn, ung thư, vô sinh nặng hơn...

 

Nhiều người thấy khó thở, nhưng lại không biết rằng đó là những phản ứng của cơ thể khi ở trong môi trường khói của nến gây ra. Ngộ độc do nến thơm không rầm rộ như những ngộ độc khác, mà nó ảnh hưởng âm ỉ theo thời gian sử dụng. Khi lượng tích lũy hóa chất độc hại trong cơ thể đã đủ, đó nó sẽ bộc phát.

 
 
Dùng sao khỏi độc?
 

Trước hết khi chọn mua nến nên xem kỹ phần bấc. Tốt nhất nên mua nến có bấc bằng sợi bông, không lõi hoặc bấc lõi giấy. Không mua nến có bấc làm bằng lõi chì. Nếu có điều kiện thì mua nến làm bằng nguyên liệu tự nhiên như sáp ong, vừa an toàn sức khoẻ, vừa có mùi thơm dễ chịu.

 

Để an toàn, nên tránh cho khói nến bám vào cơ thể. Không dùng nến trong các không gian kín, ít thông gió, như nhà tắm, phòng nhỏ đóng kín cửa... Không dùng nến thơm vào việc trị liệu. Trước khi đốt nến nên cắt ngắn còn khoảng 1cm, vì bấc càng dài, lửa càng lớn, lượng muội khói độc càng nhiều.

 

 

Theo PL TPHCM

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo