Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp gỡ khó
Thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị những giải pháp mạnh mẽ để tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế.
(VGPNews) - Thảo luận Báo cáo của Chính phủ về tình hình KT-XH trong phiên họp sáng nay (30/5), nhiều đại biểu cho rằng những giải pháp chủ động, kịp thời của Chính phủ đề ra từ đầu năm là phù hợp và đã mang lại những kết quả quan trọng, song việc triển khai một số giải pháp cụ thể vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả chung.
Không quá lệ thuộc vào nhóm giải pháp tiền tệ
Nhận định khó khăn về vốn chính là một trong những nút thắt hiện nay, đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) cho rằng những giải pháp tín dụng của Chính phủ đã đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung dòng tín dụng vẫn còn ách tắc, doanh nghiệp không tiếp cận được.
“Đã có tình trạng doanh nghiệp không mặn mà với tín dụng nữa. Do đó, cần có giải pháp linh hoạt để doanh nghiệp tiếp cậ̣n được vốn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm nay 12%. Trong thời gian tới, phải giảm lãi suất huy động trung hạn để hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu”, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị.
Cùng hướng tiếp cận này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) phân tích: “Mặt bằng lãi suất hiện thấp hơn thời điểm năm 2007- trước khủng hoảng tài chính thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã được ngân hàng “mời” vay vốn. Nhưng tại sao vốn không ra được? Thị trường đã ở mức bão hòa. Không thể chỉ kỳ vọng vào chính sách lãi suất nữa”.
Từ đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị cần khẩn trương xử lý nợ xấu, trong đó có việc đưa Công ty quản lý tài sản (VAMC) vào hoạt động.
Việc xử lý nợ xấu cũng được nhiều đại biểu đề cập trong phát biểu của mình, cho rằng Chính phủ nên coi đây là trách nhiệm chung của nhiều ngành, của các địa phương chứ không chỉ riêng ngành ngân hàng.
Nhiều ý kiến thảo luận cũng xác định, lúc này, tình trạng hàng tồn kho chính là nút thắt của tín dụng, những giải pháp giảm tồn kho của Chính phủ đã có kết quả ban đầu, nhưng nhìn chung còn chậm.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng chừng nào vấn đề tồn kho của doanh nghiệp chưa có câu trả lời thỏa đáng về cả trách nhiệm và biện pháp khắc phục thì việc khôi phục và duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô còn xa vời.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng còn mở rộng khái niệm “tồn kho” ra nhiều lĩnh vực khác: “Tồn kho tiền, hàng và vốn được coi là vấn đề nan giải hiện nay. Tồn kho thể chế, tồn kho kiến nghị và đặc biệt là tồn kho trách nhiệm và giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách nhằm tạo chuyển biến cho nền kinh tế cũng phải được giải quyết tích cực trong thời gian tới”.
Mạnh dạn cho phát hành trái phiếu Chính phủ
Nhận định khó khăn về vốn chính là một trong những nút thắt hiện nay, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị Quốc hội cần mạnh dạn cho phép Chính phủ sử dụng các chính sách tài khóa, trong đó có việc cho phát hành trái phiếu Chính phủ để thực hiện những công trình đặc biệt quan trọng như Quốc lộ 1A, xây mới một số bệnh viện, công trình thủy lợi…
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị cần mạnh dạn thoái vốn nhà nước ra khỏi những doanh nghiệp, lĩnh vực không then chốt.
Quan điểm về việc cho phép phát hành Trái phiếu Chính phủ của đại biểu Huỳnh Nghĩa được đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM) chia sẻ, dù ông cho rằng đây là một quyết định rất khó khăn.
“Tôi đề xuất trong điều kiện hiện nay, có thể nâng trần bội chi ngân sách vượt mức 4,8% GDP, tăng một số hình thức để làm sao chúng ta có thể xử lý trả nợ các công trình đầu tư dang dở, ngân sách nợ trong điều kiện nguồn vốn hấp thụ tín dụng rất hạn chế. Đầu tư công, chi tiêu công như một cú hích để kích tổng cầu trong giai đoạn trước mắt”, đại biểu Trần Du Lịch nói.
Điều hành theo lạm phát mục tiêu
Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất một số nhóm giải pháp mà ông cho là rất quan trọng trong ngắn hạn.
Trước hết, trong thời gian hơn 2 năm còn lại của kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) phải xây dựng một chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Trong chương trình này, chính sách chủ đạo là chính sách lạm phát mục tiêu, chuyển chống lạm phát từ bị động sang chủ động với mức tăng CPI khoảng 6,5-7% trong 3 năm 2013 - 2014 - 2015 và sẽ kéo giảm xuống dưới 5% cho giai đoạn tiếp theo.
Với chính sách chủ động như vậy sẽ tạo dư địa để phối hợp 3 chính sách: chính sách tiền tệ - chính sách chi tiêu công và đặc biệt là lộ trình điều chỉnh giá các loại dịch vụ do nhà nước kiểm soát, để vừa chống tái lạm phát, nhưng vừa có dư địa để kích thích thị trường.
Một chương trình như vậy sẽ thực hiện ngay từ năm 2013, ông Trần Du Lịch kiến nghị.
Đồng thời, đại biểu của đoàn TP.HCM cũng đề nghị có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công để trong 3 năm từ 2013-2015, tổng đầu tư xã hội đạt mức 30-32% GDP. Đây là một sự đòi hỏi phối hợp chặt chẽ cả 2 chính sách tiền tệ, tài khóa để bổ sung nguồn lực.
Về chính sách tài khóa, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị mạnh dạn cho áp dụng những chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp trong 3 năm (đến 2015) thay vì chỉ thực hiện 6 tháng hay 1 năm.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đề xuất rà soát lại toàn bộ vốn nhà nước ở hàng trăm doanh nghiệp, ở những ngành công nghiệp nhẹ không cần thiết, ngành khách sạn, du lịch … để thoái vốn.
“Tại sao chúng ta để hàng trăm ngàn tỷ đồng nằm ở đây, trong khi không có tiền làm quốc lộ và nhiều nhu cầu khác. Đây là một sự lãng phí nguồn lực”, đại biểu nói.
Về chính sách tiền tệ, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong cấp phép tín dụng, trong 3 năm (2013-2015) mức tăng tín dụng bằng 3-3,5 lần mức tăng GDP và đồng thời nên linh hoạt chính sách tỷ giá.
Xuân Tuyến
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo