Tại hội thảo “Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập” do Bộ LĐ-TB-XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 25.11, các chuyên gia khuyến cáo, cần có cơ chế xác định tiền lương nếu không VN khó có thể cạnh tranh khi hội nhập cộng đồng vào năm 2015.
Theo ông Malte Luebke, chuyên gia cao cấp về tiền lương của Văn phòng ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mức lương bình quân của VN ở mức 3,8 triệu đồng/tháng (181 USD), thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN, như: Philippines (206 USD), Thái Lan (357 USD), Malaysia (609 USD) và Singapore (3.547 USD). Đáng chú ý, VN chỉ cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD).
Ông Luebke cho rằng sự khác biệt lớn về tiền lương giữa các quốc gia thành viên ASEAN phản ánh những khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động (LĐ). Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện cải cách cơ cấu và nâng cao kỹ năng của lực lượng LĐ là những yếu tố tạo ra nền tảng cho hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp (DN) để chuyển đổi sang lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn, mức lương tốt hơn.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận chính sách tiền lương đã có nhiều điều chỉnh để phần nào theo kịp những biến chuyển của thị trường. Nhưng việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương của người LĐ hạn chế dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép.
Chuyên gia ILO John Ritchotte phân tích: “Khi nền kinh tế phát triển phức tạp, người LĐ và người sử dụng LĐ phải bắt đầu đàm phán về tiền lương. VN đã đạt được những bước tiến về lương tối thiểu thông qua việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, nhưng vấn đề thỏa thuận lương thông qua thương lượng tập thể gần như vẫn bằng 0. Giờ đã đến lúc VN phải đẩy mạnh đàm phán, không thể chờ đợi thêm nữa. Khi nền kinh tế phát triển, các thiết chế của quan hệ LĐ có thể phát triển tương ứng”.
Theo Thanh Niên