Cẩn trọng kẻo mất nhà, mất đất vì… "tín dụng đen"
Do cần vốn để kinh doanh, tháng 12/2009, bà Bồ Thị Kim Loan, cư ngụ tại khu phố Thạnh Hòa A (phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đến nhà bà N.T.C (cư ngụ cùng khu phố) hỏi vay 300 triệu đồng, lãi suất 6%/tháng. Để làm tin, vợ chồng và Loan phải giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho bà C, đến văn phòng công chứng thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (HĐCN QSDĐ).
Hai bên cam kết miệng, khi nào bà Loan trả hết tiền nợ, sẽ hủy hợp đồng. Xong thủ tục, bà C chỉ đưa cho bà Loan 250 triệu đồng. Số tiền 50 triệu đồng còn lại, bà C giải thích là phải chi cho người môi giới 30 triệu đồng, còn 20 triệu đồng là tiền lãi của tháng đầu tiên. Trên thửa đất mà bà Loan thế chấp để vay vốn của bà C có một căn nhà cấp 4 do chị ruột của bà Loan là bà Bồ Thị Kim Anh đang ở.
Do việc làm ăn khó khăn, cùng với lãi suất quá cao, bà Loan không còn khả năng chi trả. Để lấy được tiền, ngày 15/12/2012, bà C. đã làm đơn khởi kiện bà Loan ra TAND thị xã Thuận An, yêu cầu buộc bà Loan phải giao đất cho bà C. Ngày 23/9/2013, TAND thị xã Thuận An đã mở phiên tòa dân sự xét sử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa bà C. và bà Loan.
Tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà C, yêu cầu các bên có liên quan liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền hoàn tất về việc thực hiện hợp đồng. Bà Loan không đồng ý với phán quyết của tòa án, cho rằng HĐCN QSDĐ mà vợ chồng bà đã ký kết với bà C. chỉ là thỏa thuận hình thức để được bà C cho vay tiền chứ đấy không phải là ý chí của vợ chồng bà.
Mặt khác, khu đất của vợ chồng bà Loan theo giá hiện hành lên tới gần 1 tỷ đồng, thì làm sao vợ chồng bà lại chỉ bán được với giá 300 triệu đồng? Không thừa nhận lời phán quyết của TAND thị xã Thuận An, bà Loan gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Bình Dương.
Tình trạng thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ để vay vốn theo kiểu… "tín dụng đen". Chuyện mượn giấy chứng nhận QSDĐ của người này để vay vốn của người khác xảy ra nhiều, có trường hợp vì nể tình thông gia, kết quả là mất đất, nhà bay, tình cảm không còn.
Ông Lê Văn Năm, cư ngụ tại xã Hưng Định (thị xã Thuận An) là thông gia với bà Nguyễn Thị Kim Long, cư ngụ tại phường An Thạnh (thị xã Thuận An). Biết mẹ đẻ của mình đã thế chấp giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình cho bà C. (nhân vật ở phần đầu bài viết này chúng tôi đã đề cập) để vay một số tiền nhưng không còn khả năng chi trả.
Để "cứu" mẹ, con dâu ông Năm là Huỳnh Kim Hoàng nảy ra ý định sẽ mượn giấy chứng nhận QSDĐ của bên nhà chồng để bà Long đưa cho bà C, lấy giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình về làm thủ tục vay vốn ngân hàng, lấy tiền trả cho bà C rồi lấy giấy chứng nhận QSDĐ trả lại cho gia đình ông Năm.
Ngày 16-10, sau khi thấy con dâu hỏi mượn giấy chứng nhận QSDĐ, ông Năm đã đồng ý nhưng không để mất tình thông gia, ông Năm đã yêu cầu bà Long làm tờ biên nhận.
Có giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Năm trong tay, bà C. đã tự thảo một bản HĐCN QSDĐ, yêu cầu ông Năm và những người trong gia đình cùng ký tên, điểm chỉ. Mới đây, ông Năm được TAND thị xã Thuận An mời lên giải quyết vụ kiện HĐCN QSDĐ do bà C đứng đơn. Lúc này, gia đình ông Năm mới biết là văn bản mà bà C yêu cầu gia đình ông cùng ký tên, điểm chỉ chính là HĐCN QSDĐ mà khi ký vì quá tin tưởng gia đình bên thông gia nên ông Năm đã không để ý.
Cho rằng mình và gia đình đã bị lừa, ông Năm đã viết đơn kiện gia đình thông gia là bà Long ra TAND thị xã Thuận An, nhưng tòa không thụ lý vì theo tòa án, vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Khi đưa vụ án tranh chấp HĐCN QSDĐ giữa bà C. và ông Năm ra xét xử, HĐXX thấy rằng tuy HĐCN QSDĐ mà bà C. cung cấp không đúng hình thức theo quy định nhưng trong hợp đồng lại thể hiện rõ ý chí của toàn bộ các thành viên trong gia đình ông Năm, trong thời điểm ký hợp đồng, các thành viên đều có đủ năng lực hành vi dân sự, không bị ai ép buộc… nên gia đình ông Năm muốn lấy lại giấy chứng nhận QSDĐ phải đưa cho bà C. 800 triệu đồng (theo nội dung ghi trong HĐ) cộng với lãi suất theo quy định của ngân hàng. Hiện gia đình ông Năm như ngồi trên đống lửa, giấy chứng nhận QSDĐ 173m2 thì không lấy được, tiền không có, thông gia thì cố tình né tránh… không hiểu rồi vụ việc sẽ đi đến đâu?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Công Khanh, Chủ tịch UBND phường An Thạnh cho biết: "Thời gian gần đây, trên địa bàn thị trấn đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp HĐCN QSDĐ, nhưng nhiều vụ không thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương vì bên nhận thế chấp đều có đầy đủ những giấy tờ liên quan chứng minh HĐCN QSDĐ là hoàn toàn hợp pháp luật. Có nhiều hợp đồng có chữ ký của công chứng viên, con dấu của văn phòng công chứng. Do vậy, UBND phường đã hướng dẫn các bên liên quan khởi kiện ra tòa án để được xem xét giải quyết.
Quá trình xử lý, chúng tôi nhận thấy phần lớn những người cho vay tiền rất am hiểu về pháp luật, nên trước khi cho vay, họ đã thực hiện khá chắc chắn các bước ban đầu, nên khi xảy ra tranh chấp phần thắng luôn nghiêng về phía họ. Để hạn chế những rủi ro, thiệt thòi cho người dân còn thiếu am hiểu pháp luật, sắp tới chúng tôi cần phải mở các đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước