Cẩn trọng với cắt dạ dày giảm béo
Với một số bạn trẻ tôn thờ vóc dáng mình hạc xương mai, béo có nghĩa là một “thảm họa”, một tấn bi kịch, một nỗi khổ. Cho nên bằng mọi cách có thể, họ quyết tâm giữ cho trọng lượng của mình luôn ổn định hoặc phải trở về trong một giới hạn được cho là không quá béo. Phẫu thuật dạ dày cũng là một cách.
Sẵn sàng cắt 1/3 dạ dày để cải thiện vóc dáng
Lần đầu tiên tôi được biết đến phương pháp giảm béo bằng cách cắt đi một phần dạ dày là qua cô bạn đồng hương Nguyễn Thị Linh (Đống Đa, Hà Nội). Phải mất một lúc ngỡ ngàng tôi mới nhận ra Linh bởi sự lột xác của cô bạn này chỉ sau nửa năm không gặp.
Từ một cô gái mỡ màng cao 1,6m nặng 90kg, mỗi bước đi lại tạo nên sự chuyển động nhịp nhàng của nhiều ngấn mỡ, Linh bây giờ nhìn gọn gàng, trẻ trung hơn rất nhiều, kèm theo đó là sự tự tin, tươi tắn hiếm khi bắt gặp ở cô trong thời gian trước đây.
Trước sự ngạc nhiên quá đỗi của tôi, linh phấn khởi khoe: “Tớ mới phẫu thuật cắt đi 1/3 dạ dày để giảm béo. Từ khi phẫu thuật, tớ ăn uống ít hẳn đi, trước 4 – 5 bát/bữa thì bây giờ chỉ cần 1 – 2 bát. Mới 3 tháng, tớ đã giảm được 20kg rồi nhé! Đợt vừa rồi tớ phải tống tiến đi cả lô quần áo cũ vì cái nào cũng rộng ra cả mét đấy”.
Chợt nhớ ra tôi rất nhạy cảm với việc cắt, khoét bất cứ cái gì liên quan đến da thịt mình, Linh vội vàng bổ sung: “Nếu không thích cắt, cậu chỉ cần thắt đai hoặc đặt bóng dạ dày cũng được. Tớ quyết định cắt dạ dày vì nhiều người bảo phương pháp này sẽ được dài lâu, gần như là mãi mãi”.
Mặc dù chưa thể gọi là béo phì, cũng không quá nặng nề nhưng anh Trần Minh Thương (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn tỏ ra vô cùng khổ tâm, mặc cảm về vẻ ngoài khá đẫy đà của mình nhất là khi anh lại là trưởng phòng Maketing của một công ty lớn, thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng.
Anh bảo: “Tập tành liên tục, thuốc nọ thuốc kia, ăn chả dám ăn, uống chả dám uống... nói chung là đã thử hết các cách rồi nhưng mà béo vẫn hoàn béo, chẳng thay đổi được gì. Lúc nào cũng cảm thấy cơ thể mình nó cồng kềnh, khó nhọc thế nào ấy. Chỉ cần ăn một chút gì đó vào cũng có cảm giác ngồn ngộn mỡ trong người, vô cùng khó chịu”.
Thấy vài người giảm béo bằng phương pháp phẫu thuật dạ dày rất thành công, sức khỏe ổn định nên anh Thương cũng đang tính sẽ lấy lại dáng chuẩn, phong độ, sự “manly” của mình bằng phương pháp đặt bóng hơi vào dạ dày, một phương pháp khá mới mẻ ở Việt Nam.
Mặc dù mới đăng ký, chưa được phẫu thuật nhưng từ khi biết mình có thể cải thiện thân hình quá khổ, anh Thương như lấy lại sự yêu đời của một chàng trai đang ở tuổi 30, tuổi mà anh đang có sự thành công nhất định.
Không nên lạm dụng
Hiện tại, không chỉ có Bệnh viện Việt Đức mà rất nhiều các bệnh việc khác trên khắp cả nước cũng đã áp dụng thành công phương pháp này. Không biết bao nhiêu người đua nhau đổ xô đến các viện để đăng ký, tư vấn được phẫu thuật giảm béo bởi cho rằng chỉ cần được phẫu thuật là sẽ giảm béo nhanh chóng mà không cần đến các biện pháp tập luyện cũng như chế độ ăn uống khác.
Trong khi đó, đây là một phương pháp điều trị bệnh lý chứ không chỉ là một phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ đơn thuần như nhiều người vẫn tưởng.
Là một cô gái 20 tuổi, cao 1,55m, nặng 60kg, Trần Thu Trang (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) không có vẻ gì là quá béo nhưng cô bạn này vẫn một mực đòi các bác sĩ phẫu thuật dạ dày cho mình để giảm béo.
Không chỉ có Trang mà nhiều trường hợp khác cũng nài nỉ phẫu thuật cho bằng được mặc dù các bác sĩ đã hết lời giải thích, đưa ra lời khuyên không nên phẫu thuật mà chỉ nên luyện tập kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý là có thể cải thiện được tình trạng quá khổ, quá tải của mình.
Nhiều người còn cho rằng các bác sĩ không nhiệt tình, thiếu trách nghiệm trong khi họ không biết rằng chỉ những bệnh nhân béo phì dạng bệnh lý mới cần đến sự can thiệp của dao kéo.
Bên cạnh đó, mỗi ca phẫu thuật dù là lớn hay nhỏ đều không hề đơn giản nhất là khi động chạm dao kéo vào lục phủ ngũ tạng của mình bởi vì một khi đã cắt bỏ có nghĩa là sẽ không bao giờ khôi phục lại hình dạng ban đầu.
Nói về vấn đề này, PGS – TS Trần Bình Giang, PGĐ kiêm trưởng khoa phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết: “Các phương pháp phẫu thuật giảm béo như thắt đai dạ dày, tạo hình dạ dày ống đứng, đặt bóng dạ dày có thể giúp giảm cân gấp 10 lần so với các phương pháp giảm béo thông thường. Các phương pháp này chủ yếu dựa trên nguyên tắc thu hẹp diện tích dạ dày khiến lượng thức ăn tiêu thụ giảm và trọng lượng cơ thể tất yếu cũng giảm theo. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể giảm được khoảng 10kg/tháng trong thời gian đầu và dần dần đưa cơ thể trở về một trọng lượng phù hợp, ổn định sau khoảng từ 1 – 2 năm".
"Nhiều người đã quá lạm dụng phẫu thuật tạo hình để giảm béo do hiểu nhầm đây là một dạng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng với nhiều trường hợp, phẫu thuật thật sự là điều không cần thiết và có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, PGS – TS Trần Bình Giang cho biết.
Coi chừng biến chứng Cũng theo một số chuyên gia khác, những biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật điều trị béo phì là biến chứng chảy máu tiêu hóa, suy dinh dưỡng, biến chứng vết thương, tắc ruột, thoát vị nội, biến chứng tim, phổi, biến chứng của dụng cụ đặt. Với phương pháp đặt đai thắt dạ dày có thể gặp biến chứng lệch vị trí, chảy máu, đai xuyên lòng dạ dày, loét, rò dạ dày, hẹp – tắc đường xuống dạ dày, giãn túi dạ dày, giãn thực quản... |
Theo NĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo