Cẩn trọng với kiều hối
Kiều hối và việc rửa tiền qua kiều hối
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối bao gồm các khoản tiền chuyển từ nước ngoài có nguồn gốc là thu nhập của người lao động, dân di cư ở nước ngoài, được thể hiện qua cán cân thanh toán quốc tế là khoản chuyển tiền. Theo luật của Việt Nam thì kiều hối là các loại ngoại tệ tự do chuyển đổi được chuyển vào Việt Nam theo các hình thức: chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép; chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính – bưu chính quốc tế; cá nhân mang ngoại tệ theo người Việt Nam.
Như vậy, về bản chất, kiều hối là tiền bạc được di chuyển từ những người đang trú ngụ hay lao động nước ngoài đến thân nhân của họ tại quê hương. Kiều hối được gửi về nước dưới hình thức hàng hóa và tiền tệ.
Dưới hình thức hàng hóa gồm tất cả các mặt hàng tiêu dùng cho mục đích đầu tư. Những hàng hóa này có thể được buôn lậu hoặc nhập khẩu một cách hợp pháp. Gửi hoặc mang kiều hối dưới dạng hàng hóa cho mục đích sử dụng cá nhân hoặc bán lại ở các thị trường không chính thức cũng là một kênh phổ biến. Kiều hối mang dưới dạng hàng hóa cá nhân lại thường không được ghi nhận như kiều hối hay hàng hóa nhập khẩu và rất khó tính toán được giá trị của nó.
Kiều hối dưới dạng tiền tệ có thể là tiền mặt, séc, vàng... Kiều hối dưới dạng tiền tệ có thể được gửi thông qua kênh không chính thức và các kênh chính thức như ngân hàng hoặc các tổ chức chi trả kiều hối và cũng có thể mang theo người.
Kiều hối là những khoản tiền được người lao động di cư gửi về quê hương. Nếu những khoản tiền này là những thu nhập từ lao động chân chính, có thể chứng minh được thì việc chuyển tiền về để sử dụng trong nước là hợp pháp. Tuy nhiên, rất nhiều đồng tiền được làm ra một cách bất chính, nguồn gốc không rõ ràng, được làm sạch để biến thành các đồng tiền hợp pháp thì đó gọi là rửa tiền.
Sau khi Việt Nam ra nhập WTO, hệ thống tài chính của Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đang phải đối mặt với các hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi và mang tầm quốc tế. Để thực hiện trót lọt quá trình rửa tiền, đối tượng rửa tiền thường chuyển tiền bẩn đan xen với các nguồn tiền hợp pháp và chuyển qua lại giữa các hoạt động kinh doanh bằng nhiều tài khoản khác nhau… Trong đó, giới tội phạm có thể nhân danh và trà trộn vào các khoản kiều hối thông thường để chuyển tiền về nước.
Phòng ngừa rửa tiền qua kiều hối
Chuyển tiền qua con đường kiều hối về Việt Nam là con đường nhanh và dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang có những chính sách khuyến khích kiều bào gửi kiều hối về xây dựng quê hương. Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của hoạt động rửa tiền thông qua con đường kiều hối, vì vậy, cần phải có những giải pháp thiết thực để ngăn chặn tội phạm “rửa tiền” thông qua con đường này.
Theo các chuyên gia phân tích thì một trong những giải pháp cần thực hiện là nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phòng, chống rửa tiền. Ngày 18/6/2012, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Luật phòng, chống rửa tiền. Tiếp theo đó, hàng loạt các văn bản khác như: Nghị định 116/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN… đã ra đời, nhằm hướng dẫn các biện pháp phòng, chống rửa tiền, các quy định mà các thể chế, định chế phải chấp hành để phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền. Để người dân hiểu hơn về vấn đề phòng chống rửa tiền nói chung và chống rửa tiền qua kiều hối nói riêng, các cấp, các ngành phải không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là Luật phòng, chống rửa tiền và coi đây là một trong những việc làm thường xuyên.
Bên cạnh đó, lĩnh vực phòng chống rửa tiền cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành có liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp... trong việc hướng dẫn, kiểm tra chấp hành các biện pháp phòng chống rửa tiền của các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý. Các cơ quan quản lý cũng cần tích cực phối hợp với các nước và tổ chức quốc tế trong việc điều tra và thiết lập các quy định phù hợp với luật pháp quốc tế về phòng chống rửa tiền…
Bởi hệ thống ngân hàng sẽ là điểm nhắm đến đầu tiên của tội phạm thực hiện rửa tiền bằng con đường kiều hối nên hệ thống hệ thống công nghệ thông tin về phòng, chống rửa tiền của Cục phòng, chống rửa tiền ngành Ngân hàng cần được đầu tư bài bản. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần ban hành quy chế giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, đối với các ngân hàng thương mại cần thành lập bộ phận chuyên trách về phòng, chống rửa tiền; Xây dựng chính sách nhận biết khách hàng để theo dõi.; Thực hiện nghiêm chỉnh quy trình nội bộ về phòng, chống rửa tiền; Đào tạo nâng cao chuyên môn cho cán bộ về công tác phòng, chống rửa tiền…
Kiều hối là nguồn lực rất lớn và quan trọng đối với nền kinh tế nội địa luôn cần và thiếu. Việc áp dụng các giải pháp chống rửa tiền, thắt chặt an ninh tài chính sẽ có thể khiến nguồn kiều hối về ít đi. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trong thời đại toàn cầu hóa, các nền kinh tế liên quan chặt chẽ với nhau thì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Cái cần làm bây giờ là làm sao đơn giản hóa, hiện đại hóa các thủ tục quản lý, kiểm soát để công tác này nhanh, chính xác, an toàn, không làm ảnh hưởng tới các nguồn tiền "sạch".
End of content
Không có tin nào tiếp theo