Cần xây dựng kênh phân phối ổn định hàng Việt về nông thôn
(vtv) Sau nhiều năm tổ chức, đến nay, số doanh nghiệp tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại Phú Yên không hề tăng lên.
Mỗi phiên chợ, ngành Công Thương tỉnh Phú Yên cũng chỉ kêu gọi được khoảng 10 doanh nghiệp tham gia. Đây đều là những doanh nghiệp nhỏ trong tỉnh. Số lượng mặt hàng hạn chế. Việc kêu gọi những doanh nghiệp ngoài tỉnh, và doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động này của tỉnh là hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc TT Khuyến công và xúc tiến thương mại Phú Yên cho biết: “Khó khăn vẫn là mức hỗ trợ. Ví dụ, mỗi phiên chợ hàng Việt về nông thôn từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia được hỗ trợ 70% và không quá 70 triệu đồng. Theo tôi, mức hỗ trợ này rất ít bởi doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều chi phí như vận chuyển, quảng cáo, đi lại... chiếm rất nhiều thời gian trong khi mức hỗ trợ chưa hấp dẫn”.
Không chỉ khó huy động doanh nghiệp, Sở Công Thương Phú Yên cũng không thể tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn một cách thường xuyên. Từ nguồn vốn xúc tiến thương mại của cả Trung ương và địa phương, các phiên chợ đưa hàng Việt trong tỉnh chỉ được tổ chức mỗi quý một lần tại các huyện.
Vào những thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng như lễ Tết, các phiên chợ hàng Việt mới được tổ chức mỗi tháng một lần. Số lượng phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Số lượng doanh nghiệp tham gia ít cộng với số phiên chợ tổ chức thưa vắng đã khiến các phiên chợ hàng Việt vẫn chỉ dừng là hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức của doanh nghiệp với thị trường nông thôn, kêu gọi người dân sử dụng hàng Việt chứ thưa thể trở thành kênh phân phối chủ lực cho hàng Việt về với nông thôn.
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng: “Nhìn một cách sâu xa, không nên cho rằng bán hàng Việt như một phương thuốc hay sự giải cứu mang tính bền vững đo thị trường. Về lâu dài, việc phát triển thị trường nông thôn cần tổ chức tốt hơn, bài bản hơn từ việc tổ chức nguồn hàng cung ứng, hệ thống phân phối trên địa bàn, từng loại hình trên địa bàn.... Thiết lập chuỗi bán hàng cung ứng đều đặn, thường xuyên và phát triển bền vững là chính sách cần hướng tới”.
Trong 3 doanh nghiệp đăng ký tham gia đưa hàng Việt về nông thôn đợt này, chỉ có một doanh nghiệp đưa hàng được đến tận nơi. Giao thông cản trở khiến cho không phải doanh nghiệp nào đăng ký cũng theo hết hành trình đưa hàng đến người dân.
Người tiêu dùng mong muốn có được những khu chợ hàng Việt tại nông thôn chứ không phải là những buổi chợ phiên cả tháng mới được tổ chức một lần như hiện nay.
Rõ ràng, sau mục tiêu tuyên truyền, thay đổi nhận thức người tiêu dùng đối với hàng Việt, để có thể phát huy hiệu quả lâu dài của hàng Việt ở nông thôn, điều quan trọng vẫn là xây dựng một kênh phân phối ổn định hàng Việt về những địa bàn này.
Thu Giang
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng