Tin tức - Sự kiện

Cảnh báo dịch đau mắt đỏ

Trong vòng 2 tuần trở lại đây, Bệnh viện Mắt T.Ư, Bệnh viện Mắt Hà Nội và các bệnh viện chuyên khoa mắt tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám, điều trị.

 Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, số bệnh nhân lên đến hàng chục ca mỗi ngày trong khi 5-6 tuần trước đây các ca bệnh chỉ rải rác. Bệnh nhân sống tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Một bệnh nhân nam, ở quận Hoàng Mai cho biết, tại khu vực anh ở trọ, các tuần gần đây lần lượt 4-5 người bị đau mắt đỏ. Còn chị Thu ở quận Long Biên cho biết, trước khi đau cộm mí mắt, vài ngày có thấy hơi gai sốt, đau đầu, ho nhưng chỉ thoáng qua. “Khi mắt ngứa, rát kèm nhèm tôi tưởng bị côn trùng hay bụi nên cũng đã vệ sinh mắt sạch nhưng chỉ 1-2 hôm sau, khi ngủ dậy rất khó mở được mắt vì gỉ mắt kéo dày”, chị cho biết.
 
Theo bác sĩ Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt T.Ư), đau mắt đỏ là bệnh do vi rút rất dễ lây lan qua tiếp xúc gần, đặc biệt tại các môi trường gia đình, lớp học, công sở, bể bơi, dùng chung các đồ dùng: ca, cốc, gối, khăn.
 
Bác sĩ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không tự mua thuốc, không dùng chung hoặc sử dụng đơn thuốc trị đau mắt của người khác. Việc này khiến cho bệnh có thể nặng hơn, gây biến chứng viêm loét giác mạc. Thậm chí lạm dụng thuốc nhỏ mắt có corticoid có thể gây bội nhiễm, nếu sử dụng dài ngày còn có thể gây thiên đầu thống”. “Có bệnh nhân đau mắt đỏ đến điều trị bỏng. Nguyên do, khi đau mắt đỏ, người bệnh mua lá về đun lấy nước xông mắt”, bác sĩ Hoàng Cương lưu ý.
 
Tự ý dùng thuốc, bệnh đau mắt đỏ có thể trầm trọng hơn
 
Theo Bệnh viện Mắt T.Ư, bệnh đau mắt tại miền bắc thường có xu hướng tăng cao vào thời điểm tháng 8-10, sau khi có những đợt mưa dài ngày, môi trường thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển mạnh. Bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính nhưng điều trị khá dài ngày, khoảng từ 7-15 ngày. Bệnh nhân cần tuân thủ theo đơn thuốc, không tự ý bỏ thuốc, đổi thuốc có thể gây biến chứng loét giác mạc.
 

 

Theo Thanh niên Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo