Cảnh báo 'Sốc' cho kiểu làm nông nghiệp nóng vội
Đã có không ít bài học chua cay, đắt giá cho những phong trào nông nổi, nóng vội trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những nước nông nghiệp hàng đầu thế giới đã tạo được nông trại xanh tươi ngay trên sa mạc khô cằn, nhờ dám nhìn thẳng vào khó khăn, thất bại để vượt qua, đề cao tri thức và sáng kiến.
Đừng lặp lại chứng bệnh phong trào, thành tích
Cái cách nhiều người gần đây chỉ vì nghe truyền miệng về loại “cây trồng tỷ đô” mà nháo nhác đi săn lùng cây giống bằng mọi giá để trồng, thậm chí không ngần ngại chặt bỏ những vườn cây lâu năm để dành đất cho “nữ hoàng mắc ca”, là dấu hiệu cho thấy sẽ có không ít kẻ thảm bại vì chỉ chạy theo phong trào mà không tìm hiểu kỹ lưỡng.
Gần đây, loại cây bị chặt bỏ nhiều nhất là cao su, bất kể còn non hay đã trưởng thành, vì trượt dốc tới nay chưa thấy đâu là đáy của đà rớt giá, hiện chỉ còn bằng 1/3 so giá mủ cao su trên 100 triệu đồng/tấn hồi năm 2011. Cao su còn bị chặt, thì rừng càng bị đốt phá mạnh hơn. Dọc các quốc lộ xuyên Tây Nguyên, không đoạn nào không gặp những ngọn đồi, những cánh rừng bị cạo gọt trơ trụi. Có nơi mắc ca đã kịp nẩy chồi, có nơi đã đào hố sẵn, chỉ chờ cây giống.
Từ đồng bằng Nam bộ, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nghe phản ánh về khí thế rầm rộ của mắc ca đang đổ bộ lên Tây Nguyên, mà thở dài nhắc lại nỗi đau hàng loạt phong trào từ “phân chuồng phân xanh”, “khoai lang bồ”, tới “tăng diện tích và sản lượng lúa Thần nông”, dùng máy bay rải lúa giống, tham vọng phát triển bò lai Sin và bò sữa Úc khiến nhiều người dân mang nợ, Nhà nước mất vốn đầu tư… Ông sợ dân chúng lại mắc bẫy “quảng cáo bán giống”, rơi vào thảm cảnh sản xuất càng nhanh, càng nhiều lại càng… nghèo như với lúa gạo, cá tra.
Thận trọng không thừa
Tại Lễ hội Cà phê lần thứ 5, thấy nhiều người vui mừng mua được cây giống mắc ca trong hội chợ, tôi hỏi cậu thanh niên đang bán cây giống mắc ca về địa chỉ vườn ươm, cậu lúng túng, vòng vo. Dọc các quốc lộ 14, 26, 27 xuyên các tỉnh Tây Nguyên, ai cũng thấy nhiều điểm bán cây giống mắc ca, giá cả vô chừng, cây thực sinh 30-40 nghìn đồng/bầu, cây ghép rồi giá đắt hơn, nhưng đường kính thân nhỏ bằng nửa chiếc đũa.
Một nhóm hộ dân có mắc ca đã cho thu hoạch 2 vụ ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk sau một thời gian dò hỏi khắp nơi, mới bán được gần 1 tạ hạt mắc ca với giá 40-50 nghìn đồng/ký. Chị Lan, một chủ hàng, cho biết, dù chị vẫn lên mạng tra cứu thông tin, biết giá thu mua mỗi ký hạt mắc ca trung bình của thế giới tương đương 100 nghìn đồng, nhưng khi chào bán lại rất khó khăn, nơi mua chê hạt nhỏ, chất lượng kém, ẩm độ cao, giống không ngon. Chị nói: “Kiếm dăm bảy chục triệu mỗi héc - ta đã khó, mà người ta cứ ầm ầm quảng bá “cây tỷ đô”.
Anh Hoàng Tùng, Giám đốc Cty Vinamacca, trong 6 năm rưỡi du học ở Úc đã có nhiều dịp lao động, học nghề ghép giống, chế biến sản phẩm trong vườn mắc ca rộng 100 ha của ông Kim J. Wilson-Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc. Anh cho rằng, người mua giống ở những điểm bán giống cây thiếu trách nhiệm đã không tìm hiểu kỹ để biết rằng, cây mắc ca thực sinh không được ghép chồi giống tốt sẽ bị phân ly gene, không có quả hay quả ít đã đành, mà những cây mắc ca non đường kính dưới 7mm đã vội ghép thì khả năng sinh trưởng cũng rất kém.
Trong số vườn mắc ca trên Tây Nguyên mà anh Tùng đã tới, năng suất cao nhất hiện nay thuộc về vườn mắc ca 100 cây trồng 11 năm của nhà anh Thu ở xã Phú Lộc, Krông Năng, Đắk Lắk. Có cây 3 năm liền cho thu hoạch 40-50kg/vụ. Nhưng tính trung bình cả vườn chỉ 20 kg hạt/cây, vì có vài giống năng suất kém, dù tất cả các cây giống đều bảo đảm ươm ghép đạt kỹ thuật, chăm sóc trước khi xuất bán đủ 2 năm.
Và dù cây giống tốt, nhưng nếu khí hậu tiểu vùng không phù hợp, trong thời gian cây phân hóa mầm hoa kéo dài 4-5 tuần mà nhiệt độ không xuống thấp dưới 20oC, hoặc tầng đất không sâu dày, kém thoát nước, thì mắc ca có sống được, ra hoa dày mấy cũng chẳng đậu quả.
TS Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nhận định đề án phát triển mắc ca khổng lồ của tập đoàn Him Lam là có cơ sở, đã được tính toán kĩ, đi đúng hướng từ giống, trồng trọt, chế biến đến thị trường. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng, mục tiêu 200.000 ha diện tích trồng mắc ca ở Việt Nam từ nay đến 2030 là không khả thi, phân nửa con số đó may ra đủ sức, đã bằng cả diện tích trồng mắc ca cả thế giới hiện nay.
Bảo đảm quyền lợi cho dân nghèo
Những đòi hỏi và tính chất của nền nông nghiệp công nghệ cao khiến không ít người nghi ngại, phần lớn nông dân, nhất là đồng bào nghèo vùng sâu sẽ bị “loại khỏi cuộc chơi”, sẽ mất đất canh tác, nhiều quyền lợi ưu đãi sẽ rơi vào túi các đại gia, nhà đầu tư giàu có.
Trò chuyện với tôi, ông Trần Đình Mạnh, Bí thư huyện ủy Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nơi đang hội đủ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn đất để có thể xây dựng thành “thủ phủ mắc ca” trên Tây Nguyên, khẳng định tập thể huyện ủy đã trình lên tỉnh đề án tránh được những mối lo chính đáng đó.
Dự kiến dành 14.000 ha đất cho mắc ca dưới cả 3 dạng trồng thuần, trồng xen trong cà phê và trồng dưới tán rừng nghèo. Ngoài diện tích hạn chế sẽ giao cho một số doanh nghiệp chủ công đầu tàu xây dựng vườn giống, nhà máy, đặt các chi nhánh giao dịch thu mua và cung ứng vốn mang tính dẫn dắt, hỗ trợ nông dân, huyện ủy đã trình lên tỉnh đề án mắc ca tiểu điền nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho dân nghèo, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đó, mỗi hộ sẽ được giao 2 ha đất, huyện hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn dân mua giống tốt giá rẻ, ngân hàng cho vay vốn trung hạn lãi thấp. Huyện đang nghiên cứu chọn một số giống khoai lang ngon, tam giác mạch cao sản của Nhật Bản và các loại đậu đỗ trồng xen mắc ca trong những năm chưa có thu hoạch để lấy ngắn nuôi dài.
Vì các lô mắc ca này liên khoảnh, đồng bào có thể được nhận khoản hỗ trợ 15 triệu đồng/ha xây dựng vùng nguyên liệu như Nghị quyết 210 quy định. Vì mắc ca là cây lâm nghiệp, nên khi cây khép tán, chủ lô còn được nhận thêm tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ông Mạnh nói: “Thực tế cho thấy từ 500 ha mắc ca mà 5-6 năm qua đồng bào đã trồng với lối canh tác thô sơ trên địa bàn huyện, dù không bón phân, tưới nước, mới năm thứ 3 đã cho thu hoạch, thì không cần nói vống lên làm gì. Chỉ chọn mức thấp nhất mỗi héc - ta đem lại khoản thu nhập cỡ 100 triệu đồng/năm cho các hộ nhận lô thôi, cách bắt tay chặt chẽ giữa “nhiều nhà” như hiện nay chắc chắn sẽ xóa đói giảm nghèo hiệu quả đồng bào nghèo vùng sâu”.
Và không chỉ với mắc ca, hàng triệu nông dân đang canh tác các loại cây trồng giá trị khác như cà phê, tiêu, nhiều loại cây trái rau hoa cao sản cũng đã, đang, sẽ cần được mối liên kết chặt chẽ giữa “nhiều nhà” hỗ trợ và bảo vệ các quyền lợi chính đáng, vì họ mới là “nhân vật chính” trong cuộc cách mạng xanh này.
“Thái Lan cũng là nước nông nghiệp truyền thống với 80% dân số nông thôn. Từ thách thức diện tích canh tác bị thu hẹp, nông dân bỏ ruộng vườn đi làm thuê, Thái Lan đã cho ra đời một loạt chính sách như trợ giá nông sản, công nghiệp nông thôn, mở cửa thị trường thu hút đầu tư… kết hợp được kinh nghiệm truyền thống và công nghệ hiện đại, giúp nông dân Thái Lan thay đổi nhận thức, thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số lĩnh vực đứng đầu thế giới”, TS Nguyễn Hoàng Sa nói.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo