Tin tức - Sự kiện

Cấp số định danh cá nhân: Khai thân nhân một lần duy nhất

Sáng 6/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020.

Gần 90 triệu dân là thách thức

Theo ông Ngô Hải Phan, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo, trong đề án thì việc triển khai cấp số định danh cho gần 90 triệu dân là thách thức. Điều này cần sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành. Trước mắt, các bộ nghiên cứu triển khai cơ sở dữ liệu dân cư, trong đó tận dụng dữ liệu hiện có.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, đây là một trong những đề án quan trọng trong lĩnh vực cải cách hành chính. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, hiện còn một số băn khoăn: Cấp số định danh sẽ giảm được bao nhiêu giấy tờ cho công dân. Nếu theo lộ trình thì năm 2016 bắt đầu cấp và đến năm 2020 mỗi người dân có số định danh cá nhân. Khi đó, còn bao nhiêu giấy tờ nữa, có thay thế chứng minh thư không?

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đề án thực hiện liên quan rất nhiều đến việc ứng dụng toán học. “Vừa qua tôi đã xin ý kiến và Phó Thủ tướng đồng ý mời Viện nghiên cứu cao cấp về toán tham gia. Chúng tôi đã liên hệ với Giáo sư Ngô Bảo Châu để có sự phối hợp. Ứng dụng được toán học cao cấp vào việc thực hiện đề án này thì rất tốt”- Ông Cường cho biết thêm.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam bày tỏ, nếu có số định danh công dân thì rất thuận lợi cho ngành Bảo hiểm.

Phải tích hợp dữ liệu

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, nói lấy số chứng minh thư 12 số làm số định danh cá nhân là chủ quan mà phải cân nhắc kỹ. Tuy nhiên, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, trước khi cấp chứng minh thư mẫu mới 12 số thì Bộ Công an đã tham khảo 19 nước. Số chứng minh thư này đảm bảo 500 năm không trùng nhau.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Đề án trong việc tạo điều kiện cho công dân về đơn giản hóa giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, đồng thời bảo đảm cho công dân chỉ phải khai về thân nhân một lần duy nhất.

Điều này thực sự là bước đổi mới cơ bản về quản lý Nhà nước đối với dân cư, phù hợp với thông lệ quốc tế và việc xây dựng Chính phủ điện tử. Việc thực hiện Đề án không phải là lập cơ sở dữ liệu quốc gia mới mà phải sử dụng cơ sở dữ liệu hiện có của các bộ, ngành.

Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo