Cấp tập trồng mắc ca: Siêu lợi thì sao Úc không chọn?
Nước Úc đã phát triển cây này từ lâu như vậy tại sao lại không phát triển mạnh lên dù biết rõ có lợi nhuận? Điều đó chứng tỏ không dễ dàng.
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, người tham gia trực tiếp nghiên cứu về cây mắc ca nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn còn nhiều băn khoăn trước thông tin thúc đẩy mạnh việc trồng cây mắc ca. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng: không thể ngồi chờ khảo nghiệm được nữa.
Phát triển ào ạt sẽ bị mất cân đối
PV: - Thưa ông, trong thời gian gần đây, có nhiều động thái thúc đẩy việc trồng cây mắc ca (ngân hàng nhà nước hứa hỗ trợ vốn, đặt mục tiêu 200.000 tấn năm 2015, chưa trồng và đánh giá kết quả vùng Tây Nguyên đã giao nghiên cứu vùng Tây Bắc). Cá nhân ông nhận định tiềm năng của cây mắc ca thế nào, và mức độ phù hợp của loại cây này với các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam? Từ đó, ông bình luận như thế nào về động thái cấp tập mới đây của cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước để thúc đẩy mở rộng diện tích trồng loại cây này ở Việt Nam?
TS Trần Vinh: - Cây mắc ca đã được đưa vào Việt Nam từ khá lâu, từ năm 2009. Thời gian thì không phải là ít nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây cây này mới phát triển mạnh đặc biệt là ở Tây Nguyên. Bởi vì Tây Nguyên là vùng có quỹ đất dồi dào, điều kiện sinh thái thời tiết tương đối phù hợp.
Hiện nay ở Tây Nguyên có trên vài nghìn hecta đã được trồng nhưng diện tích cho thu hoạch chưa nhiều.
Hiện nhiều người dân tiếp cận thông tin chủ yếu là đọc trên báo đài, còn thông tin về khoa học kỹ thuật cho cây này còn rất ít. Đó là về góc độ khuyến nông.
Còn về nghiên cứu về cây mắc ca ở Việt Nam cũng chưa nhiều. Đặc biệt ở Tây Nguyên chưa có một đề tài cấp bộ cho nghiên cứu cây này. Hiện Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên làm nhưng cũng chỉ là đề tài cấp cơ sở.
Đặc biệt là nghiên cứu chọn tạo giống, kỹ thuật canh tác và nhiều thứ cần phải làm trong khi đó nếu chúng ta phát triển ào ạt sẽ bị mất cân đối.
PV: - Trong tất cả các bài tính về hiệu quả kinh tế của loài cây này, dư luận nhận thấy, căn cứ đều dựa vào giá của mắc ca tại thời điểm hiện tại, thị trường tiêu thụ ở thời điểm hiện tại. Đứng ở góc độ kinh tế, theo ông, điểm thiếu sót của các tính toán này là gì? Liệu điều đó có dẫn tới những hệ quả như đã xảy ra với cây cao su, mía đường… hay không, thưa ông?
TS Trần Vinh: - Qua theo dõi thông tin thấy người nông dân rất thích trồng cây này nhưng đúng là họ vẫn băn khoăn khi trồng bán cho ai? ai tiêu thụ? ai chế biến, xuất khẩu thế nào?... Đây là những thông tin còn khá mới mẻ với bà con.
Dù rằng nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhưng mới chỉ mang tính chất giữa các cơ quan doanh nghiệp với nhau còn người dân tham gia không có.
Có một điều đáng lưu ý ở đây là cây mắc ca không phải chỗ nào cũng thích hợp để trồng.Thực tế nó đòi hỏi điều kiện sinh thái rất ngặt nghèo, ưa khí hậu mát lạnh và đặc biệt trong thời gian ra hoa đậu quả đòi hỏi một nhiệt độ ổn định và thấp (khoảng 18-25 độ C), phải kéo dài trong vài tháng.
Chính vì thế ngay cả Tây Nguyên cũng ít vùng thực sự phù hợp cho cây mắc ca. Cho nên tôi cho rằng vùng trồng cũng rất quan trọng, phải quy hoạch đúng với vùng phù hợp điều kiện sinh thái, có vùng trồng thích hợp.
Còn nếu để dân trồng ồ ạt tôi tin chắc rằng trong thời gian tới sẽ có một số vùng thất bại. Tất nhiên cũng có vùng sẽ thành công nhưng hết sức lưu ý về điều kiện canh tác.
Thực tế hiệu quả kinh tế chúng ta mới đang căn cứ vào thông tin thế giới chứ Việt Nam chưa có sản phẩm để xuất khẩu.
Hạt của cây này đúng là rất có giá trị. Sản lượng trên thế giới cũng chỉ đáp ứng 20-25% nhu cầu. Nhưng điều tôi băn khoăn là rất nhiều năm như thế nhưng rất ít nước trên thế giới phát triển cây này.
Phải chăng có cái gì khó khăn khiến họ không thể phát triển nhiều lên được?. Dù rằng nước Úc đã phát triển cây này từ lâu như vậy tại sao lại không thể phát triển mạnh lên dù biết rõ nhu cầu là có, giá cả, lợi nhuận có?. Điều đó chứng tỏ không dễ dàng.
Tôi muốn nói rằng trồng thì dễ nhưng để đạt được năng suất thì không phải chuyện đơn giản.
Hiện nhiều DN tư nhân tham gia vào việc này, giới thiệu cây giống nhưng về phía nhà nước còn chưa quản lý tốt. Chỗ nào cũng thấy bán giống mắc ca nhưng không thấy ai quản lý việc này.
Nên khảo nghiệm rộng
PV: - Việc ngân hàng nhà nước đặt vấn đề xem xét tín dụng hỗ trợ cho kế hoạch này sẽ mang lại những cơ hội nào cho nông dân? Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại những ví dụ sống cho việc họ bị bỏ rơi khi nông sản không được bao tiêu sản phẩm, doanh nghiệp 'dắt con bỏ chợ' và cuối cùng người dân nợ vẫn hoàn nợ sẽ lặp lại. Ông có đồng cảm với những lo ngại này không? Theo ông với thực tế này các cơ quan chức năng cần phải làm gì?
TS Trần Vinh: - Chúng ta đã có nhiều bài học từ việc trồng ồ ạt như cây rừng như trước đây trồng điều đã thất bại. Hay như kinh nghiệm từ việc đưa cây cao su ra phía Bắc đã không thành công.
Chúng ta không nên mắc vào những dấu chân trước đây. Ban đầu chúng ta cứ đưa mạnh lên nhưng khi thất bại thì lại im lặng và chỉ có người dân là chịu thiệt hại. Vì thế phải hết sức lưu ý và với mắc ca còn phải nghiên cứu thêm nhiều.
Ngân hàng nói cho vay nhưng nếu không may thua lỗ thì người dân vẫn phải đứng ra lo để trả thôi. Vì vậy tôi cho rằng cần có những bước đi thận trọng.
Chúng ta cứ nói rằng cây ghép trồng sẽ nhanh cho ra quả nhưng ghép với giống nào, và giống đó đã được trồng khảo nghiệm hay chưa mà biết được tốt hay không?
Vì vậy ít nhất chúng ta phải có khảo nghiệm. Thường thường muốn đưa một cây nào đó vào diện tích trồng lớn thì phải khảo nghiệm.Nhưng chúng ta lại không làm điều đó mà đang đi ngược, giải một bài toán ngược.
PV: - Sau hơn 10 năm vào Việt Nam, đến nay đã có khoảng 2.000 ha mắc ca được trồng. Tuy nhiên những phân tích của ông cho thấy đây không phải loại cây "dễ ăn". Vậy ông có cảnh báo gì với cơ quan chức năng và người dân?
TS Trần Vinh: - Để an toàn tốt nhất cây mắc ca nên trồng xen với các cây khác. Người ta cứ nói có thể thay thế cây rừng nhưng không phải vậy, vì điều kiện sinh thái thực sự không đơn giản.
Chính vì thế tốt nhất nên canh tác và trồng xen với cây trồng khác thì an toàn hơn sẽ thuận tiện được trong việc chăm sóc, tưới nước, cải thiện được khí hậu.
Dù phát triển nhiều như thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa có một bộ giống chuẩn về cây mắc ca cho vùng Tây Nguyên. Hiện mới chỉ có vài mô hình nhỏ trong khi Tây Nguyên thì rộng lớn, vì thế phải trồng khảo nghiệm rộng khắp để có một bộ giống chuẩn.
Muốn vậy nhà nước phải đầu tư một đề tài nghiên cứu lớn trước khi cho trồng mở rộng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc
'Bệ phóng' AI giúp doanh nghiệp tài chính ngân hàng tăng tốc
Ngành công thương Hà Nội duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110
Cột tin quảng cáo