Cầu, đường nghìn tỷ xuống cấp
Lún, nứt
Các ổ gà lại đã tái xuất trên hai nhánh biên cầu Rạch Chiếc. Cầu Rạch Chiếc (trên xa lộ Hà Nội) được khởi công tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Hai nhánh biên cầu dài 295m, rộng khoảng 10m thông xe vào cuối năm 2010.
Mới hơn một năm, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên nhánh cầu hướng từ Thủ Đức về quận 2, có khá nhiều “ổ voi” nằm giữa cầu.
Mặt cầu sụt lún, bong tróc. Đầu cầu phía Thủ Đức, một phần mặt đường hơn 5m bị lún khiến nắp hố ga nhô cao gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông.
Nhánh cầu hướng từ Thủ Đức về quận 2, mặt đường phía bên trạm thu phí xa lộ Hà Nội bị sụt lún tạo thành các rãnh sâu kéo dài hàng chục mét.
Công trình xuống cấp đã gây ra hàng chục vụ tai nạn giao thông liên hoàn.
Một công trình khác là cầu Thủ Thiêm (nối quận 2 và quận Bình Thạnh) có vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng.
Thông xe vào đầu năm 2010, đến nay, các nhánh cầu dẫn Thủ Thiêm và hầm chui nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (phía quận Bình Thạnh) đã bị xuống cấp trầm trọng.
Nhánh cầu dẫn N2 (từ đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cầu chính) và nhánh N3 (từ cầu chính rẽ phải vào đường Nguyễn Hữu Cảnh về cầu Sài Gòn) mặt đường xuất hiện vết nứt ngang dài hơn 10m, rộng 2-3cm.
Chân nhánh cầu dẫn N1 (từ cầu chính rẽ trái vào đường Nguyễn Hữu Cảnh về Tôn Đức Thắng) xuất hiện lún cục bộ, hai bên thành cầu bị nứt kéo dài khoảng 20m.
Công trình đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) cũng vừa thông xe vào năm 2010 nhưng đã xuất hiện tình trạng lún, nứt kéo dài và rộng tại khu vực chân cầu.
Ngoài ra, cầu Rạch Nước Lên, cầu vượt QL 1A trên đại lộ Võ Văn Kiệt bị lún, nứt ở mố cầu và nhịp co giãn. Hai nhánh cầu vượt QL 1A-Võ Văn Kiệt (chiều từ quận 1 về QL 1A) và nhánh cầu vượt QL 1A2 (chiều từ QL 1A về quận 1) bị nứt ngang với chiều dài khoảng 20m.
Sai sót trong khảo sát, thiết kế?
Theo ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, hiện nay nhánh giữa cầu Rạch Chiếc đang thi công, lượng xe tải ra vào cửa ngõ phía đông TP. Hồ Chí Minh dồn vào hai nhánh cầu biên.
Công trình đang trong thời gian bảo hành nên nhà thầu phải khắc phục tạm bằng cách trám nhựa những chỗ bong tróc.
Tại một hội thảo về chất lượng các công trình giao thông vừa được tổ chức, theo kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh và khu vực Nam bộ có nền đất yếu.
Một khi khảo sát địa chất không kỹ dẫn đến sử dụng công nghệ ổn định nền đất không phù hợp thì công trình sẽ bị lún, nứt.
Còn theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường Cảng TP. Hồ Chí Minh, lún, nứt xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng chậm, thiên tai lũ lụt, triều cường.
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam