Cầu Long Biên: 'Không thể dựng lên một giá trị giả'
"Nếu chúng ta phá dỡ một di sản do con người làm ra thì vĩnh viễn mất nó" - nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Trước 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên do Bộ GTVT đề xuất, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích.
Không thể thay thế
Cầu Long Biên đảm bảo giao thông đường sắt và đường bộ. Về đường bộ, qua sông Hồng hiện có nhiều cây cầu, nếu không đi được cầu Long Biên cũng không sao.
Riêng đường sắt vốn thông tuyến từ Ga Hà Nội đến các Ga phía Bắc, khó thay đổi được. Ông cho biết, ông không rõ chi tiết các phương án thiết kế mới, nhưng theo ông nên bảo tồn như cũ, địa điểm cũ và nâng cấp đường sắt là đủ.
Ông Phan Cẩm Thượng phân tích, bất kỳ một di tích, di sản nào được coi là di sản văn hóa quốc gia, đụng đến mà không phải là tu bổ đều là vi phạm. Với cây cầu Long Biên, di chuyển địa điểm cây cầu là làm mất tính lịch sử và di sản của nó.
"Ví dụ như hầm Đờ cát là di tích ở Điện Biên Phủ, không thể dời ra chỗ khác làm đường, rồi coi đó di tích lịch sử được", ông cho hay.
Đứng trước những băn khoăn giữa bài toán bảo tồn với phát triển kinh tế-xã hội, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cho rằng, rất nhiều bài toán này nọ chỉ có lợi cho cá nhân mà chẳng tích sự gì cho cộng đồng.
"Tôi không dám nói gì về lợi ích hay không lợi ích của việc dời cầu Long Biên. Nhưng nếu chúng ta chặt một cây cổ thụ ngàn năm, thì ngàn năm sau mới có một cây như vậy. Nếu chúng ta phá dỡ một di sản do con người làm ra thì vĩnh viễn mất nó", ông bức xúc.
Theo ông, đã là di sản phải để nguyên thì mới là lịch sử. Lịch sử không nên, không thể sửa chữa, không thể làm mới. Nên nhìn cây cầu này với tổng thể thành phố Hà Nội, đó là vẻ đẹp văn hóa không thể thay thế, không thể làm khác được. Một thành phố không chỉ cần tiện lợi, mà cần vừa hiện đại, tiện lợi và có văn hóa.
'Không thể dựng lên một giá trị giả'
Trong khi đó KTS Nguyễn Tấn Vạn gay gắt phản đối, ông cho rằng cầu Long Biên cần phải được bảo tồn nguyên trạng. "Không thể bê cây cầu cũ, xây vào một cây cầu mới và coi đó là bảo tồn. Đó là phá đi một di sản, dựng lên một giá trị giả, không còn giá trị bảo tồn nữa, ".
Ông Vạn phân tích, nếu lựa chọn một trong 3 phương án trên cũng đồng nghĩa với việc Hà Nội đã xóa bỏ hoàn toàn một cây cầu lịch sử, sẽ không còn ai biết tới, nhớ tới cây cầu đó.
Cả 3 phương án của Bộ GTVT chỉ nhằm vào mục đích hiệu quả kinh tế, hiệu quả đầu tư mà không tôn trọng giá trị văn hóa, giá trị nhân văn, giá trị lịch sử của việc bảo tồn cầu Long Biên là không thể chấp nhận được.
Ông cho biết, "Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về cầu Long Biên. Không thể làm giả giá trị văn hóa, lịch sử. Nó không khác gì một ngôi nhà cổ, bê nó đi chỗ khác rồi đặt vào một ngôi nhà mới coi đó là bảo tồn. Như vậy là không đúng".
Với 3 phương án của Bộ GTVT, ông Vạn cho rằng đã động chạm nghiêm trọng tới di sản, vi phạm luật.
Vị KTS cho biết, phương án bảo tồn tốt nhất cho cầu Long Biên chỉ có thể là xây cầu chỗ khác, giữ nguyên cầu cũ.
Bộ GTVT vừa đưa ra 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Cụ thể, với phương án 1: Bộ GTVT đề xuất, xây mới tại tim cầu, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn, với chi phí khoảng 7.982 tỷ đồng.
Phương án 2: Xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, có kết cấu nhịp dàn thép như thiết kế năm 1902 với kinh phí 9.100 tỷ đồng.
Phương án 3: Xây cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cũ để bảo tồn.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, KTS đều lên tiếng phản đối và cho rằng làm như vậy Bộ GTVT đang vi phạm nghiêm trọng Luật di sản.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo