Cầu Long Biên - một biểu tượng của Hà Nội
Hơn 100 năm qua và cả bây giờ, câu vè về cầu Long Biên vẫn được truyền tai nhau trong biết bao thế hệ người Hà Nội. Cây cầu bắc qua sông Hồng vẫn luôn là biểu tượng quá đỗi thân thuộc, là chứng nhân lịch sử trong những năm tháng chiến tranh hay hòa bình, hạnh phúc hay khổ đau, của những người dân Thủ đô.
Chứng nhân lịch sử
Trước đây, sông Cái (tên gọi cũ của sông Hồng) rất hung dữ, nước chảy như thác đổ, tàu bè đi lại khó khăn, mọi giao thương giữa Hà Nội và các tỉnh khác rất vất vả. Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer khi đó đã quyết định xây dựng một cây cầu bắc qua sông.
Tháng 9/1898, cây cầu chính thức được khởi công với hạn định 5 năm. Nhưng chỉ sau 3 năm 7 tháng (1902), cây cầu đã được hoàn thành, với chi phí thấp hơn tín dụng đã duyệt là 6,2 triệu franc (tiền cũ của Pháp), trích từ công trái Đông Dương, với hơn 5.000 tấn thép chở từ Pháp, còn các vật dụng khác như: Xi măng, gỗ, vôi… được chuyển đến từ khắp các nơi trong cả nước Việt Nam.
Cây cầu lúc ấy được đặt tên là Doumer (theo tên của Viên toàn quyền Đông Dương) nhưng dân ta vẫn quen gọi là cầu Long Biên, gồm 19 nhịp dầm thép, 20 trụ cầu và mố cầu dựng trên nền đất cứng dưới độ sâu 30 m. Điểm độc đáo nhất của cây cầu là đường bộ ở hai bên, đường sắt ở giữa, lối lên cầu đi bên trái và cầu được chính những người thợ Việt Nam lắp ráp, xây dựng dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư người Pháp.
Hơn 100 năm tuổi, chứng kiến biết bao biến cố lịch sử thăng trầm, cầu Long Biên đã trở thành một phần máu thịt của Thủ đô. Biết bao người dân ngoại ô đã qua cầu, tiến về Quảng trường Ba Đình nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945. Cây cầu ấy cũng ghi dấu ngày lịch sử năm 1954, khi những tên lính Pháp cuối cùng qua cầu Long Biên để xuống Hải Phòng, rút khỏi Việt Nam; đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Tiếp đó, cầu Long Biên là nhịp nối dài cho những đoàn quân trong kháng chiến chống Mỹ, từng đoàn xe tăng, súng đạn rầm rập qua cầu, đi chi viện cho miền Nam.
Trong những năm tháng chiến tranh, cầu Long Biên đã hứng chịu 14 lần ném bom của giặc Mỹ, thiệt hại nặng nhất là vào tháng 9/1972 với 3 nhịp cầu gãy gục, 4 cột trụ và 1.500 m cầu bị hỏng. Nhưng gẫy là nối, cây cầu nhanh chóng được nhân dân ta sửa chữa, bảo đảm con đường huyết mạch nối hậu phương với tiền tuyến. Qua bao bom đạn ác liệt của chiến tranh, cây cầu vẫn đứng đó, biểu tượng con rồng uốn lượn vẫn hiên ngang trên cửa ngõ Thủ đô.
Tình yêu của người Hà Nội
Mỗi người dân Hà Nội, bất kể là dân gốc hay người nhập cư, đều mang một tình yêu đối với cây cầu trăm tuổi, với những kỷ niệm ấm áp và thân thuộc. Đó là nơi hò hẹn của biết bao lứa đôi. Đó là nơi sáng sáng, chiều chiều, những cụ già tóc bạc phơ, lặng lẽ bước qua những nhịp cầu, vừa để tăng cường sức khỏe, lại vừa trầm mặc nhớ về những năm tháng tuổi trẻ, một thời đạn bom. Với mỗi người Hà Nội, chẳng cần phong tặng, thì cầu Long Biên đã mặc nhiên trở thành di sản trong lòng họ.
Còn đối với những du khách trong và ngoài nước đến thăm thú Hà Nội, người ta luôn nhắc nhớ nhau, “Đến Hà Nội mà không thăm hồ Gươm, chưa qua cầu Long Biên thì coi như chưa đến được Hà Nội”.
Ai đó đã từng ví cầu Long Biên như là một phần hồn, một phần thân thể của Hà Nội. Nói đến một Hà Nội không ngủ, người ta nghĩ ngay đến chợ đầu mối Long Biên, ngay dưới chân cầu Long Biên, ngày đêm tấp nập kẻ bán, người mua. Nhắc đến Hà Nội, với những gánh hàng rong trong những con ngõ nhỏ, những người lao động ngày đêm lặn lội mưu sinh, thì cầu Long Biên là nhịp cầu đưa những người lao động ngoại tỉnh ấy đến với Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, người nghệ sĩ gần cả cuộc đời gắn bó với Hà Nội, trước khi chia xa Hà Nội để về Huế cũng đạp xe qua chiếc cầu cũ kỹ, đã “huyền vi”, lắng lại lòng mình với tình yêu Hà Nội và viết nên bài thơ với nhan đề rất giản dị “Cầu Long Biên”:
“Cầu Long Biên gù lưng người phu già
Sớm chiều cõng tiếng chuông qua sông
Nhắc nhở lẽ huyền vi Hà Nội
Chiếc cầu đi suốt đời ta
Ròng ròng huyết mạch
Đầy vết dao binh lửa
Dạy ta vượt lên sóng gió
Làm người…”
Thủ đô đã có thêm những cây cầu mới, hiện đại hơn để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đã từ lâu, cầu Long Biên không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông như trước, giờ cầu chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy và những đoàn tàu. Nhưng cây cầu hơn 110 năm tuổi ấy vẫn giữ nguyên một giá trị văn hóa, kiến trúc; lắng đọng trên từng nhịp cầu...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024