Tin tức - Sự kiện

Cầu Vĩnh Tuy nứt:Đơn vị kiểm định chưa được mời kiểm định

Công ty tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (Đại học GTVT) chưa nhận được công văn về việc kiểm định vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy.

Đơn vị kiểm định chưa biết mình phải làm gì

Xung quanh việc cầu Vĩnh Tuy có vết nứt dọc chiều dài 10m trên ba trụ cầu T22, T23, T24, hôm 26/2/2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có chuyến thị sát hiện trạng và yêu cầu Ban Quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn, Sở Giao thông vận tải Hà Nội tập trung xử lý vết nứt này, trong đó có phương án thuê đơn vị tư vấn độc lập (tư vấn có kinh nghiệm trong nước hoặc tư vấn nước ngoài) để đánh giá lại nguyên nhân gây nứt và theo dõi quá trình diễn biến của vết nứt.
 
Trước đó, tờ Tuổi trẻ có đưa thông tin về đơn vị Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Duy tu hạ tầng GTVT của Sở này tiến hành ký hợp đồng thuê Công ty tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông (Đại học Giao thông vận tải) làm tư vấn kiểm định độc lập để khảo sát, kiểm định và đánh giá ảnh hưởng của vết nứt đến sự làm việc của trụ cầu, đồng thời mở rộng kiểm tra, rà soát toàn bộ các trụ cầu Vĩnh Tuy.
 
Dự kiến việc kiểm định hoàn thành trước ngày 10/3/2014.
 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiểm tra vết nứt tại trụ cầu T22. (Ảnh TTXVN)
 
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo Đất Việt ngày 27/3/2014, Giám đốc Công ty Tư vấn, triển khai công nghệ và xây dựng giao thông thuộc Đại học GTVT, PGS.TS Nghiêm Văn Dĩnh cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được công văn yêu cầu, đề nghị hợp tác nào từ phía Sở GTVT Hà Nội hoặc những ban ngành liên quan đến cây cầu Vĩnh Tuy.”
 
Ông Nghiêm Văn Dĩnh chia sẻ: “Nếu có công văn đề nghị, công ty chúng tôi sẵn sàng hợp tác. Về mặt kỹ thuật, tuy chỉ là hợp tác với công ty nhưng nếu cần thiết thì tất cả các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực cầu đường, công trình của Đại học Giao thông vận tải sẽ cùng tham gia. Tôi tin rằng trường đủ chuyên gia và trang thiết bị để kiểm định, đánh giá vết nứt trên trụ cầu này”.
 
Trụ cầu nứt – đáng lo hay không?
 
Trước đó, theo báo cáo của ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, vết nứt xuất hiện từ năm 2010, đơn vị quản lý đã báo cáo sở, sau đó sở phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế và các chuyên gia theo dõi vết nứt. Ông Hùng khẳng định từ sau mùa lũ 2013, vết nứt giữ nguyên không bị phát triển thêm.
 
Trong khi đó theo Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải -TEDI, đơn vị này đã kiểm tra hiện trường và thấy các trụ cầu làm việc ổn định, không có hiện tượng lún nghiêng. Đánh giá về việc liệu những vết nứt trên các trụ T22, T23, T24 có ảnh hưởng đến sức chống, chịu, khả năng làm việc của các trụ hay không, TEDI cho biết các dầm bê tông không bị nứt, không có hiện tượng lún, nghiêng,hoàn toàn có thể đảm bảo.
 
Đồng quan điểm với Sở GTVT Hà Nội và đơn vị TEDI, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, Nguyên chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội cho rằng những vết nứt này không quá đáng ngại.
 
“Những vết nứt này không có dấu hiệu gì đáng ngại, không có vấn đề gì. Bởi lẽ những trụ cầu bê tông khối lớn khi đổ việc bị nứt là có khả năng cao, đó là khi mình đổ bê tông, rồi bê tông co ngót, nên có thể phát sinh những vết nứt như vậy.”
 
Cận cảnh vết nứt lớn nhất trên thân trụ T22 (Ảnh Dân trí)
 
Tuy nhiên, trả lời trên tờ Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Phi Lân, Trưởng khoa Cầu đường (ĐH Xây dựng) lại thẳng thắn loại trừ khả năng gây nứt do co ngót bê tông.
 
Ông Lân lý giải, hiện tượng trụ cầu Vĩnh Tuy co ngót bê tông chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Vì vậy, cần phải đặt câu hỏi tại sao trụ cầu không bị nứt từ những năm đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến 5 năm sau mới bị nứt…
 
Một chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường xin giấu tên chia sẻ với báo Đất Việt, “Nếu như nứt tiếp các trụ cầu, thì bản thân cây cầu đã có quy luật rồi. Nếu tình cờ một trụ thì còn có thể nói do co ngót bê tông, do quá trình thi công, hoặc do kết cấu móng hay thế này thế khác. Nhưng cả ba trụ cùng nứt thì cần phải xem xét một cách hết sức cẩn thận.”
 
Tuy nhiên, chuyên gia này phân tích thêm: “Nếu như vết nứt này không phát triển tiếp thì còn có biện pháp để xử lý được, nhưng nếu nó phát triển tiếp và lan truyền theo quy luật, thì lúc đó, biện pháp để khắc phục sẽ là rất khó khăn.”
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo