Cay đắng mẹ già không sợ chết thời chiến, nhưng chỉ muốn chết ở thời bình
Bao nhiều năm trời chăm bẵm, nuôi các con khôn lớn, những tưởng khi về già họ sẽ được nhờ cậy phần nào. Ngờ đâu, các con của bà hết đứa này đến đứa khác đột nhiên lâm bệnh, rồi sống triền miên trong vô thức. Nước mắt của bà có lẽ cũng đã cạn khô vì phải bao đêm trằn trọc, suy nghĩ về những đứa con ngây dại của mình.
Về miền quê nghèo hỏi thăm hoàn cảnh của vợ chồng ông Nguyễn Cam (84 tuổi) và bà Phan Thị Hoa (76 tuổi, ở xóm Bàu, thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), người dân địa phương đều bày tỏ sự cảm thương sâu sắc. Bởi họ cũng chẳng thấy xa lạ gì với hoàn cảnh quá ư bất hạnh của ông, bà. Thậm chí, còn kể tường tận từng thành viên trong gia đình bà Hoa với một sự đồng cảm, chia sẻ đáng trân trọng.
Một chị phụ nữ trung niên bán nước bên đường cũng trải lòng: “Tội nghiệp lắm chú ơi. Tui chưa thấy hoàn cảnh nào đáng thương và bất hạnh như bà Hoa. Thân già rồi nhưng chưa hề được sống một ngày thảnh thơi đâu, ngày ngày bà lọm khọm chăm cho 2 người con bị bệnh tâm thần, hết bón cơm lại lau mặt, tắm rửa. Các con bà ấy cũng lớn rồi nhưng không biết vì sao lại bị bệnh như vậy? Bà ấy hay đi lại con đường này, thấy mà tội nghiệp lắm”.
Tìm đến nhà bà Hoa lúc đã quá trưa, chúng tôi cảm thấy nghẹn ngào trước cảnh tượng cụ bà tóc đã bạc, tấm lưng bà đã còng rạp xuống nhưng vẫn lọ mọ đến từng phòng bón cho hai người con của bà từng miếng cơm. Thỉnh thoảng, các con bà giật nảy mình, thay đổi tính nết rồi đẩy bà ra xa. Trước tính khí của con như vậy, bà đành đưa bát cơm cho con rồi ngồi xuống bên cạnh vỗ về: “Các con ơi, cố gắng nuốt chút cơm vào mà lấy sức. Cha, mẹ chỉ có các con thôi. Cha, mẹ cũng đã già yếu rồi, lỡ sau này không còn sống trên cõi đời này nữa thì các con cũng cố gắng mà sống nhé!”.
Có lẽ vì qúa thương con thì bà Hoa nói vậy thôi chứ bà biết nghe xong các con mình cũng chẳng nhớ được lâu. Hơn nữa, trong tình cảnh như vậy, lỡ nói ra điều gì phật lòng thì con bà sẽ đâm ra nóng giận mà phá phách rồi bỏ chạy thì thân già như vợ chồng bà cũng không thể theo kịp mà níu giữ con nữa.
Nuốt những dòng nước mắt đang âm ỉ, bà Hoa nhẹ nhàng ngồi lại bên ghế rồi kể: "Hai đứa nó bị như vậy đã mấy chục năm nay rồi. Tâm tính thì như trẻ con vậy đó, lúc nào cũng phải có người ở bên cạnh chăm sóc. Nếu sơ sẩy thì nó đi mất và không biết đường nào mà tìm. Đã mấy dạo hắn đi như rứa, vợ chồng tui phải chạy xuôi, chạy ngược, nhờ vả khắp nơi mới tìm được con về".
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, người phụ nữ ấy luôn nêu cao lòng dũng cảm, can trường khi đối diện với kẻ thù. Thậm chí, bà còn bị địch bắt bớ, bỏ tù rồi tra tấn hết sức dã man vì nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những lần bị địch hành hạ, dù đau đớn nhưng bà vẫn cắn răng chịu đựng, quyết không khai nửa lời làm ảnh hưởng đến đồng chí, đồng đội. Không làm gì được bà, địch đày bà Hoa một thời gian rồi cũng phải thả tự do cho bà.
Thế nhưng, trong những khoảnh khắc đối diện với cái chết, người phụ nữ này càng mạnh mẽ biết bao nhiêu thì bây giờ về với đời thường, bà đang phải sống trong chuỗi ngày day dứt, khổ tâm khi những đứa con của mình bỗng điên dở, quấy phá, mọi sinh hoạt cũng không thể tự chủ động được.
Cũng lắm lúc, bà đâm ra quẫn trí, muốn cuộc đời mình kết thúc sớm chừng nào hay chừng ấy để bản thân được thảnh thơi. Tuy nhiên, tình mẫu tử thiêng liêng đã không cho phép bà làm điều đó. Bà sẽ cảm thấy vô cùng khổ tâm khi những đứa con do chính bà sinh ra phải lang thang nay đây, mai đó, đói lòng mà chẳng được ăn, lạnh thấu xương cũng không có chăn đắp…Nghĩ vậy, vợ chồng bà lại động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn để chăm lo cho các con được chừng nào hay chừng ấy. Bởi không có tình yêu thương nào cao quý, bao dung hơn của cha mẹ dành cho các con mình.
Bà Hoa cho biết: Người con trai của bà là anh Nguyễn Phước (SN 1974) bị bệnh tâm thần đã 25 năm nay. Mọi sinh hoạt cá nhân đều không thể tự chủ được, cứ bạ đâu lại ngồi đấy. Tính khí của anh này lại khá thất thường, hay nóng giận nên rất khó tiếp xúc. Chỉ có 2 vợ chồng bà và anh con trai út mới dám tới gần. Đã thế, anh này thường đi lung tung, nhiều lần ông, bà không để ý là anh Phước bỏ nhà đi mất khiến hai người phải vất vả đi tìm.
Người con gái út là chị Nguyễn Kim (SN 1981) cũng bị mắc căn bệnh giống anh trai hơn 10 năm nay. “Hồi 2 đứa mới mắc bệnh, tui cũng đưa con đi khám rồi mua thuốc về uống. Nhưng điều trị được một thời gian mà không thấy hiệu quả chi hết. Chừ thì thành ra rứa đó chú à. Lúc vui thì nó cười, buồn thì nó lại khóc. Mấy chục tuổi rồi mà bị bệnh như thế nên không có đứa mô chịu lấy. Trong 2 đứa thì Kim nó ngoan hơn, 4 năm qua nó bị bại liệt nên chỉ nằm một chỗ, nói nó biết nghe chứ thằng Phước thì phải dỗ ngọt nó mới chịu” – bà Hoa kể.
Ngày thường, mọi sinh hoạt cá nhân như vệ sinh, tắm giặt của 2 anh em đều do một tay bà Hoa chăm sóc. Cũng vì lo sợ anh Phước đi mất nên cực chẳng đã ông bà mới vay mượn tiền xây một căn phòng nhỏ rồi cho ở đó. Chỉ khi nào đến bữa thì mới mở khóa cho ra bên ngoài ăn cơm.
Mấy năm trước, chồng bà Hoa cũng bị bệnh thần kinh nên một mình bà phải gồng gánh lo cho cả 3 cha con. Qua điều trị, hiện nay sức khỏe của ông cũng đã ổn định trở lại nên bà Hoa cũng thấy an tâm phần nào.
Mỗi lần nghe ai nhắc đến những đứa con của mình, giọng bà Hoa lại trầm xuống, khuôn mặt bà cũng mang sự trăn trở: “Các con như rứa rồi thì phải chịu thôi chứ biết mần răng được. Vợ chồng tui còn sống được ngày nào thì cũng an tâm vì ít ra, dù cuộc sống khó khăn nhưng con còn có miếng cơm, miếng cháo. Chứ đến khi vợ chồng tui nằm xuống, chắc mấy đứa con tui khổ lắm chú à. Mong sao mọi người không xa lánh chúng nó, dang tay nhân ái cho nó miếng cơm thì cũng mãn nguyện lắm rồi”.
Trong căn nhà ảm đạm, hai vợ chồng già tóc đã bạc trắng nhưng vẫn cặm cụi chăm chút cho 2 đứa con bị bệnh. Sống gần hết cuộc đời, ông bà chỉ mong cho các con mình được ngủ tròn giấc, ăn được chút cơm cháo và bớt đi phần nào tính quấy phá. Nhiều lúc đến bữa, bà Hoa phải ngồi bên cạnh, dỗ dành các con như những đứa trẻ mới lớn. Thấy con ăn được chút cơm, khuôn mặt bà cũng thể hiện sự vui mừng, tuy trong dạ thì cảm thấy đau như cắt. Nhưng với ông bà, đó cũng là niềm hạnh phúc giúp họ có thêm động lực để sống tiếp.
“Mấy chục năm nay rồi giấc ngủ của tui cứ chập chờn, có đêm thức trắng vì hễ đặt mình xuống là nghe thằng Phước la hét, con Kim kêu đau. Mỗi lần như vậy là vợ chồng tui phải ngồi dậy mà dỗ con. Thấy chúng thiếp đi thì mình mới yên tâm được phần nào. Rồi cũng không biết bao nhiêu bận, đang bưng chén cơm lên chuẩn bị đút cho con thì chúng đưa tay hất đổ chén cơm xuống đất. Vợ chồng tui chỉ biết lẳng lặng thu dọn chứ không biết mần răng nữa!” – bà Hoa nghẹn ngào.
Ông Cam, bà Hoa đều đã già yếu nên cũng không thể làm được việc gì khác để có thu nhập. Cuộc sống của hai vợ chồng già và 2 người con đều trông cậy vào tiền phụ cấp chế độ thương binh của bà Hoa.
Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của cha mẹ, anh Nguyễn Hiền (con trai út của bà Hoa) cũng thường xuyên lui tới để hỗ trợ cha, mẹ chăm sóc anh trai và em gái. “Cha mẹ đều đã già yếu hết cả rồi, các anh và em lại bị bệnh như vậy nên tui phải có trách nhiệm chăm sóc chứ còn biết trông cậy vào ai được nữa. Chỉ mong sao anh và em nó biết nghe lời để cha, mẹ được vui thôi, chứ sống đến hết đời rồi mà chưa hết khổ cực, suy nghĩ vì các con”- anh Hiền nói.
Chia sẻ về hoàn cảnh của bà Hoa, ông Lê Văn Thiên, Trưởng thôn Đạo Đầu, cho biết: Hoàn cảnh của gia đình bà Hoa thì cả xã này đều biết. Tội nghiệp lắm chú à, một mình bà và đứa con trai út phải hỗ trợ, thay phiên nhau chăm sóc cho 2 anh em bị tâm thần, chồng già yếu lại hay đau ốm. Bà con lối xóm thấy bà ấy như vậy nên ai cũng thương. Tuổi già mà có được nghỉ ngơi chút nào đâu, hết lo cho con rồi lại đến chồng…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Y tế: Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào thừa i-ốt
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm