Cây mắc ca: Chỉ trồng 10.000 héc ta chứ không phải 200.000 héc ta
Định hướng 10.000 héc ta đến năm 2020
Đây là nội dung trong báo cáo 2748 của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Hà Công Tuấn ký gửi Thủ tướng Chính phủ trong ngày hôm nay 6-4. Như vậy, số diện tích cây mắc ca mà Bộ NNPTNT cho phép trồng thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp là 200.000 héc ta trong 5 năm tới.
Theo báo cáo này, mắc ca được trồng thử nghiệm ở Việt Nam từ năm 1994 và các khảo nghiệm giống cây mắc ca đã được triển khai tại 16 tỉnh; đến nay đã xây đựng dược 20 mô hình khảo nghiệm giống, với tổng diện tích là 35 héc ta, trong đó, có 30 héc ta đã ra quả.
Kết quả nghiên cứu khảo nghiệm ban đầu cho thấy, mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển ở các vùng khảo nghiệm nhưng với tỷ lệ đậu quả và sản lượng khác nhau. Với những cây trồng 10 năm tuổi, một số vùng cho sản lượng cao nhất từ 17,5 đến 21,5 kg/cây (tương đương 3,9 đến 4,7 tấn/héc ta/năm); thấp nhất là từ 1,9 đến 2,5 tấn/héc ta/năm; một số nơi không đậu quả. Trên cơ sở đó, Bộ đã công nhận được 10 giống mắc ca.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thực hiện nhiều dự án như “Trồng sản xuất thử nghiệm một số giống mắc ca mới tại Tây Nguyên, Tây Bắc” năm 2011 trên diện tích khoảng 40 héc ta; “Trồng thâm canh cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên” năm 2012 với khoảng gần 480 héc ta; đồng thời các tổ chức, cá nhân tại các địa phương trong cả nước đã trồng được gần 2.000 héc ta cũng tại Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, mắc ca là cây mới, trong quá trình khảo nghiệm cho các kết quả khác nhau, đồng thời, vẫn chưa có một báo cáo phân tích kỹ các vấn đề về chế biến và thị trường; do đó Bộ NNPTNT chưa đủ căn cứ để đưa ra quy hoạch cây mắc ca, quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, công nghệ chế biến... Song, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu và ban hành những văn bản trên trong năm 2015.
Trước mắt, để hạn chế rủi ro cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, Bộ NNPTNT chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trồng ở những nơi khảo nghiệm thành công, không triển khai trồng trên quy mô lớn tại những nơi chưa được trồng khảo nghiệm hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tổ chức đánh giá khảo nghiệm tại các địa phương, xác định cụ thể quy hoạch chi tiết từng vùng khí hậu đối với mắc ca. “Việc phát triển mắc ca theo quy mô lớn nhất thiết phải đảm bảo điều kiện gắn với cơ sở chế biến, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm” – trích văn bản.
Theo đó, tổng diện tích định hướng tới năm 2020 là 10.000 héc ta bao gồm cả trồng tập trung và xen canh thay vì đề xuất 200.000 héc ta như tham vọng của các nhà khoa học và doanh nghiệp trước đó.
Còn nhiều câu hỏi phải làm rõ
Quyết định này của Bộ NNPTNT được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về việc phát triển ồ ạt “cây tỉ đô” sẽ dẫn tới thất bại như những cây trồng trước đó. Đặc biệt, chỉ cách đây vài ngày, Bộ đã tổ chức họp với các nhà khoa học, cơ quan quản lý... và họ đều thống nhất chưa nên mở rộng diện tích mắc ca một cách ồ ạt.
Tại buổi họp đó, TS Hà Huy Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp cho rằng, trước mắt, chỉ nên tập trung phát triển ở những vùng có đặc điểm sinh thái thực sự phù hợp và có năng suất cao như Đăk Lăk, Sơn La; ưu tiên phát triển trồng xen với cà phê, chè.
Nhiều nhà khoa học tại buổi họp cho rằng, trước khi trồng trên diện rộng cần phải trả lời các câu hỏi: mắc ca Việt Nam có cạnh tranh được với mắc ca các nước hay không? Nếu trồng thì cần làm rõ trồng ở đâu, trồng bao nhiêu, giống gì, trồng như thế nào và tiêu thụ ra sao, lợi nhuận thế nào? Liệu mắc ca có cạnh tranh hơn so với các cây đã có sẵn như cà phê, tiêu, chè hay không?
Bên cạnh đó, Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho hay, mắc ca cũng là cây á nhiệt đới, mà vùng khí hậu á nhiệt đới trên thế giới rất nhiều chứ không chỉ riêng Việt Nam. Trong khi đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy Việt Nam có lợi thế cạnh tranh với các nước khác về mắc ca, mà cụ thể là Úc và Mỹ, những thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những nước đã sản xuất mắc ca rất lâu.
Truyền thông thế giới đều nói tốt về mắc ca, các số liệu thống kê cũng cho thấy nguồn cung mắc ca ở nhiều nước đang tăng chóng mặt, có nơi trên 10%/năm. Trong khi đó, thông tin dự báo tin cậy về nhu cầu lại chưa rõ ràng. “Theo quy luật giá tăng thì nguồn cung sẽ tăng, đến một lúc nào đó cung sẽ cao hơn cầu, giá hạ, và một số nước không có lợi thế sẽ buộc phải rời cuộc chơi. Nước rời cuộc chơi sẽ là nước không có lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá thành cao, chất lượng thấp” – Bộ trưởng Phát nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng