Tin tức - Sự kiện

Cây tỷ đô trước bệnh nan y

Lượng xuất khẩu tiêu những tháng đầu năm nay đã vượt 1 tỷ USD. Trước lợi nhuận cây tiêu mang lại, nhiều hộ nông dân đã không ngần ngại bón phân, phun thuốc vô tội vạ. Việc lạm dụng này đã biến cây tiêu từ chỗ không bệnh trở thành bệnh.

Cây tiêu bị bệnh chết nhanh, gốc cây đã bị thối, mặc dù phía trên lá một số vẫn còn xanh

Rùng mình phân, thuốc "đổ" gốc tiêu

Trong đó bệnh chết nhanh, chết chậm sẽ làm cả vườn tiêu tan nát.

Hai năm gần đây, do tiêu được giá nên nhiều hộ nông dân ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ đổ xô trồng tiêu, 1 ha trồng khoảng 1.800-2.000 nọc tiêu, sau 3 năm thu hoạch 2-3 kg tiêu khô/nọc, tức năng suất đạt chừng 4 tấn/ha, với giá bán vào giữa tháng 9/2014 là 200 ngàn đồng/kg, thu nhập thấp nhất là 400 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người trồng tiêu cầm chắc 200-300 triệu đồng.

Chính vì lợi nhuận hấp dẫn nên người nông dân không ngại đầu tư phân bón, thuốc BVTV miễn sao cho cây tiêu nhìn xanh tốt, phát triển "rực" là được.

"Hoa mắt" với phân, thuốc

Chúng tôi về xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, nơi có một số diện tích tiêu già đang có dấu hiệu bệnh chết nhanh, chết chậm để tìm hiểu.

Ông Cao Văn Hải ở thôn 4, trồng 200 nọc tiêu từ năm 2009 hiện đang ở thời kỳ tựa trái, ngày 16/9 phát hiện có một số nọc tiêu bị vàng lá, ông chạy ra đại lý V, ở thôn 1 "cầu cứu". Tại đây, đại lý cử nhân viên đến tận vườn kiểm tra, sau đó kết luận dấu hiệu của bệnh chết nhanh, nếu không xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ lây lan gây chết cả vườn tiêu.

Lập tức, đại lý kê "toa thuốc" như sau: Agri-fos 400 thể tích 1 lít (170 ngàn/chai) phối hợp Jiamamo 720 WP gói 100 gr hoạt chất Macozeb trị nấm bệnh (giá 40 ngàn/bịch = 100gr), pha nước tưới "đổ" gốc tiêu với liều lượng 5 lít nước + thuốc/gốc.

Điều đáng nói là, muốn tiêu hết bệnh, ông Hải phải mua 4 chai Agrifos và 16 bịch thuốc Jiamamo, và "đổ" đến 2 lần, tức chi phí trọn gói lên hơn 2,6 triệu đồng.

 "Chung quanh có một số vườn tiêu bị bệnh vàng lá, sau đó chết rụi cả vườn, tui lo lắm. Ra đại lý họ chỉ sao làm vậy, tốn kém bao nhiêu cũng chịu. Từ đầu mùa mưa đến nay, tui "tưới" 4 lần rồi, lần này là thứ 5" - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, vào tháng 7 vừa rồi, vườn tiêu của ông cũng có dấu hiệu vàng lá, được đại lý V chẩn đoán do "tuyến trùng", sau đó kê toa gồm Chitosan Super (360 ngàn đồng/lít) kết hợp với Iprocyman 72 WP gói 450 gr (140 ngàn đồng/gói) với số tiền mua thuốc khá lớn.

Chưa hết, khi "bệnh tiêu" ổn định, đại lý tiếp tục kê đơn với một loại phân bón lá có tên Protifert LMW 480 ml giá 160 ngàn/chai nhằm "kích thích ra rễ".

Tuy nhiên khi tìm hiểu, chúng tôi bất ngờ được biết Chitosan Super của Cty CP Jia Non Biotech VN (KCN Đức Hòa, Long An) mặc dù đích thị "phân bón chuyên dụng" nhưng trên bao bì lại ghi: "Trị bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng gây hại"; còn sản phẩm Protifert của Cty CP Tân Hiệp Thành (860/68 XVNT, F25, Q Bình Thạnh, TP.HCM), dù SX gia công trong nước nhưng trên bao bì cũng nổ: "Sản xuất tại Ý, made in Italia" (nguyên văn).

Chúng tôi tiếp tục đến vườn tiêu của bà Trần Thị Tỉnh trồng 600 nọc từ năm 2010 ở thôn 1 nằm gần bên vườn cao su của Nông trường 3, Cty Cao su Phú Riềng đang có phân nửa diện tích bị vàng lá, một số rễ cây nhổ lên đã thối, nhiều dây tiêu héo úa vàng bắt đầu chết khô. Theo người làm công của bà Tỉnh, mặc dù bà này đã bỏ ra gần 20 triệu đồng tiền thuốc nhưng tiêu vẫn chết dần do bệnh chết nhanh lây lan.
Do lợi nhuận nên không ít đại lý vẽ vời, tiêu không bệnh cũng "ra toa" trị bệnh, thay vì sử dụng 1 loại thì bán tới 2, 3 loại "kết hợp", trong đó vừa thuốc vừa phân bón lá không biết đâu mà lần. Lạm dụng vào thuốc, phân bón lá nên nhiều vườn tiêu có thể từ chỗ không bệnh mà chuyển sang bị bệnh" - ông Trần Văn Quý, chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình bức xúc nói."Vì tiêu được giá nên bà con nông dân có tâm lý rất sợ bệnh chết nhanh, chết chậm, chỉ cần cây có dấu hiệu vàng lá, rụng lá là bắt đầu chạy đôn chạy đáo tìm đại lý hỏi mua thuốc đặc trị. Các đại lý không chỉ bán thuốc mà kiêm luôn nhiệm vụ "bác sĩ cây trồng".

Lạm dụng càng thêm bệnh

Theo tìm hiểu, không chỉ thuốc BVTV mà người trồng tiêu ở đây còn lạm dụng phân bón lá và cả phân vô cơ, trong đó xuất hiện trên thị trường một số loại phân bón dạng sinh học, chế phẩm vi sinh nhưng lại được các Cty ghi quảng cáo trên bao bì là "phòng trừ, ngừa, chống được các nấm gây hại trên tiêu" như phân hữu cơ sinh học Wokozim hạt bón vào gốc (kích thích và dinh dưỡng sinh học), Agri-Fosfo 400, Viphos-K 450, Agri-Fose 400, Nagri-Fos 440...

Điều đó khiến nhiều nông dân ngộ nhận phân bón giống như thuốc BVTV, dẫn đến phòng trị không hiệu quả, đến khi quá nặng khiến vườn tiêu bị bệnh chết nhanh hàng loạt.

Ngày 16/9/2014, vườn cây tiêu nhà ông Cao Văn Hải ở thôn 4, xã Long Bình, huyện Bù Gia Mập có dấu hiệu vàng lá, đại lý chẩn đoán dấu hiệu của bệnh chết nhanh (!?)

Tại xã Lộc Hiệp, nơi đang có 515 ha tiêu, theo ông Lê Văn Hiệp, chủ tịch HND, hai năm qua, người dân xóa bỏ dần diện tích cà phê, điều, cao su kém năng suất để phát triển cây tiêu. Tuy nhiên, do hầu hết trồng tự phát, thiếu kinh nghiệm kỹ thuật nên bệnh vàng lá, chết nhanh ở cây tiêu đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Hơn thế nữa, một số nhà vườn chỉ biết làm sao cho tiêu xanh, tốt để nhanh thu hoạch, vì vậy họ tập trung bón phân NPK liều cao, thiếu cân đối dẫn đến thừa đạm (N) làm cây yếu, dễ nhiễm bệnh.

Điển hình là hộ ông Nguyễn Xiểng ở thôn 3, đang trồng 1,5 ha cao su được 2 năm tuổi, đầu năm 2014 ông phá để trồng 1.700 nọc tiêu. Tháng 8 vừa qua, tiêu chết gần 60% vì bệnh chết nhanh.

Ông Xiểng than thở: “Một dây tiêu giống Vĩnh Linh mua 30 ngàn, mất 1.000 dây vị chi 30 triệu tiền giống, chưa kể tiền phân tro, thuốc BVTV bỏ ra bón, đổ gốc cũng lên tới vài chục triệu đồng, nhưng dây tiêu vẫn héo vàng rồi chết".

Mặc dù ông Xiểng đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa, hỏi thăm nhiều cách chữa bệnh cho tiêu nhưng kết quả vẫn số không.

Ông Lê Thúc Long (Trưởng phòng BVTV, Chi cục BVTV tỉnh Bình Phước) cho biết, đến cuối năm 2013, diện tích cây tiêu là 10,5 ngàn ha (tính tròn), năm 2014 "nhảy" lên trên 11,6 ngàn ha, tức trồng mới đạt trên 1.000 ha.

Theo đó, tiêu nhiễm bệnh chết nhanh cũng tăng 1,1% và bệnh chết chậm tăng 6,1% so cùng kỳ năm ngoái. Đứng đầu là huyện Bình Long với trên 800 ha; thứ hai là Bù Gia Mập 90 ha. Nguyên nhân chính do phần lớn trồng tiêu tự phát, không theo quy hoạch, trồng trên vùng đất bị ngập úng dẫn đến bệnh tấn công và gây hại.

Đặc biệt, trong mùa mưa, ẩm độ cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm bệnh gây hại, đặc biệt là nấm Phytopthora và Fusarium gây bệnh chết nhanh và chết chậm.

"Thời gian qua, cùng với việc mở rộng diện tích và đầu tư thâm canh tăng năng suất, diện tích tiêu nhiễm sâu bệnh ngày càng tăng, do đó số lượng thuốc BVTV, phân bón lá có xu hướng tăng lên. Trong đó, người dân sử dụng thuốc để phòng trừ bệnh chết nhanh và chết chậm chưa hợp lý" - ông Long nhận định.

"Địa phương hiện có khoảng 400 ha tiêu bị bệnh trong tổng số hơn 9.000 ha. Năm nay diện tích tiêu bị bệnh có xu hướng tăng hơn năm ngoái. Trong đó, bệnh chết nhanh sau 2 tuần chết nọc do nấm tấn công bộ rễ, làm héo nhanh toàn bộ cây tiêu; còn chết chậm do nhiều loại nấm tấn công, cây có biểu hiện vàng lá, sinh trưởng kém, nó không chết ngay nhưng làm năng suất giảm" (ông Nguyễn Công Tú, Phó Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai).

 

"Tiêu vàng lá do nhiều nguyên nhân, trong đó hai nguyên nhân phổ biến là độ pH đất thấp ngăn cản tiêu hấp thụ trung vi lượng, và nguyên nhân khác là do tuyến trùng cắn phá rễ làm cây không hút được dinh dưỡng.

Hai trường hợp này cần phải đo và điều chỉnh độ pH đất về mức 5,5-6,5 và dùng các loại thuốc đặc trị tuyến trùng cho tiêu. Vì vậy, không hẳn cứ thấy cây tiêu vàng lá là qui kết ngay dấu hiệu của bệnh chết nhanh, chết chậm để sau đó nghe lời đại lý mua thuốc, phân bón đổ gốc tùy tiện.

Trong đó, "đổ" nhiều thuốc trong đất tuy diệt được nấm bệnh nhưng cả những loại nấm đối kháng có lợi cho cây tiêu cũng chết theo". (TS Đinh Thanh Sang, Trưởng phòng NCKH&HT Quốc tế, Trường Trung cấp Nông lâm Bình Dương).

 

Theo Nông nghiệp Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo