Cây xanh ở Hà Nội là điều kiện tiên quyết cho phát triển
Đoạn đường từ đại học Giao thông Vận tải qua đền Voi Phục, một trong những tứ trấn của thành Thăng Long xưa, nối đến khách sạn Deawoo có hàng cây xanh rất đẹp. Để có được những cây xanh như thế phải mất vài ba chục năm mới có được.
Ông Trần Trung Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị chia sẻ những trăn trở của mình khi nghe tin hàng cây xà cừ trên đường Kim Mã – Hà Nội (đoạn đi qua công viên Thủ Lệ) sắp bị chặt để xây đường tàu điện trên cao.
Ông Chính nói: “Nếu các đồng chí đặt mình vào người thiết kế đường tàu điện Metro mới thấy được cái khó của người thực hiện. Đường tàu điện từ Nhổn vào trung tâm thành phố khởi động từ lâu nhưng không đâu vào đâu, vừa rồi mới khởi động lại. Đường tàu điện này có một đoạn ngầm từ khách sạn Deawoo vào trung tâm, con đường này nếu đi ngầm sẽ rất đắt và đắt rất nhiều so với đi nổi. Cho nên họ chọn hình thức đi nổi từ Nhổn về đến Deawoo.
Đoạn từ đền Voi phục đến Deawoo một bên là nhà một bên là cây. Đoạn này có ba lựa chọn, một là đi bên trái, hai đi bên phải và ba là đi ở giữa. Đi bên phải từ Cầu Giấy về thì vướng nhà dân, con lươn ở giữa thì rất hẹp chứ không rộng như đại lộ Thăng Long, cho nên buộc phải đi sang phía hàng cây. Mà vướng hàng cây thì phải đốn hàng cây để đi thôi”.
Ban quản lý có sai chăng nữa thì chỉ là: “ Cái tội của ban quản lý ở đây là tội truyền thông, truyền thông không rõ ràng. Lẽ ra phải truyền thông từ đầu đến cuối, tại sao phải đi đường tàu điện sang phía hàng cây và số cây này sẽ xử lý như thế nào, bốc số cây đi nơi khác trồng hay là bán đi, ảnh hưởng đến cảnh quan ra sao, đánh giá tác động môi trường như thế nào … Đùng một phát tuyên bố chặt cây cho nên dân hết sức ngỡ ngàng, rất bức xúc.
Lỗi thứ hai là nhà quản lý không làm rõ với truyền thông, nếu đi ngầm đoạn từ Đại học giao thông đến khách sạn Deawoo hơn 1km thì sẽ rất tốn kém. Nhưng nếu đi tàu điện trên cao thì sẽ ảnh hưởng như thế nào. Trong trường hợp này chúng ta phải đặt lên bàn cân nhu cầu nào là cần thiết, nhu cầu về cảnh quan cây xanh hay nhu cầu đi lại là quan trọng”.
Ông Chính cho rằng, một thời gian sau người ta sẽ quen dần nhưng trước mắt là rất khó chịu. Đây là sai lầm rất nghiêm trọng của những người làm công tác quản lý. Trên thế giới có nhiều cái còn đau xót hơn nhưng người ta phải chấp nhận để đáp ứng nhu cầu của xã hội chứ không phải vì một số cây xanh. Tất nhiên cây xanh là quan trọng, nhưng cây xanh có thể trồng lại được. Con đường để giải quyết việc đi lại cho dân còn quan trọng hơn. Lẽ ra vấn đề truyền thông phải làm ngay từ đầu để dân biết, dân hiểu, dân ủng hộ. Đặt mình ở vị trí của người dân sống gần công viên Thủ Lệ ông chính chia sẻ, nếu như tôi là người không hiểu biết về giao thông thì tôi sẽ cho rằng mấy ông này tội phải mang đi xử.
Chuyên gia quy hoạch này nói thêm, những người làm dự án cũng phải nghĩ nhiều, người ta cũng yêu cây, yêu cảnh quan nhưng người ta không còn phương án nào khác. Không phải người ta nhắm mắt làm đâu. Tôi làm công tác quy hoạch để làm một con đường tôi phải đi thực địa rất kỹ để đánh giá và xem phương án nào là phương án tối ưu nhất.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch Đô thị Hà Nội lại có ý kiến: “Hà Nội cây xanh trở thành điều kiện tiên quyết cho phát triển. Ví dụ, Hà Nội đưa ra quy hoạch xây dựng các bãi đỗ xe ngầm ở những chỗ như Bốt Hàng Đậu … để giải quyết nhu cầu đỗ xe cho người dân nhưng yêu cầu là đừng động đến cây xanh để không ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tâm tư của người dân ở khu trung tâm. Dự án này có rất nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cuối cùng đều phải bỏ vì nếu thực hiện thì phải động đến cây xanh.
Công viên Thống Nhất 6 lần điều chỉnh quy hoạch cuối cùng vướng cái cây lưu niệm của ông Trần Duy Hưng trồng nên phải bỏ. Nếu tiếp tục xây dựng thì cái cây ấy sẽ chết, chẳng lẽ xây dựng xong rồi lấy cái cây khác trồng vào và bảo đây là cây lưu niệm của ông Trần Duy Hưng trồng, như thế thì không đúng. Điều đó chứng tỏ Hà Nội rất trân trọng cây xanh.
Vì vậy, vấn đề này theo tôi phải tôn trọng di sản nhưng nếu vướng thì phải cải tạo di sản để nâng cao chất lượng đời sống thì điều đó nên làm và cần làm. Bảo tồn nhưng phải cải tạo chỉnh trang theo hướng quy hoạch và phải phục vụ cho người dân”.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam có quan điểm quyết liệt hơn: :Vấn đề này tôi đã phản đối từ lâu, quan điểm của tôi là chạy trên cao từ Đại học sư phạm trở ra. Còn từ Đại học sư phạm vào trung tâm chui xuống đất để trả lại tên cho em, vì hiện nay chúng ta đang thiếu cây xanh lắm rồi. Chúng tôi đã phản đối từ khi bắt đầu lập dự án, nhưng giờ ký rồi, quyết định chặt rồi nên chúng tôi đành bó tay”.
“Tại sao lại phải lên cao đoạn đường này, chúng ta thừa sức làm đường hầm đoạn đấy. Chạy trên cao ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, đến cảnh quan môi trường. Công viên Thủ Lệ đẹp như thế nên để nguyên, tại sao phải phá đi. Chui một đoạn đường hầm hơn 1km không thể làm chúng ta nghèo hơn được.
Và nếu chúng ta chạy đường trên cao đoạn ấy về mặt thẩm mỹ là rất xấu. Trên thế giới này không có gì không làm được, chui đường hầm qua sông sâu dưới lòng đất 80 mét còn làm được thì một đoạn đường như thế không có lý nào không làm được”.
Nói về nguyên nhân dẫn đến việc chặt cây ông Hùng cho rằng: “Đoạn đường này rất rộng nhưng trót xin dự án như thế rồi nên không thể nào xin duyệt lại. Nếu chi phí quá đi thì lại không được duyệt quyết toán, lại phải trình Quốc hội, lại phải xin thêm dự án. Dự án đã được duyệt từ lâu nhưng dấu kín giờ mới lòi ra, người dân mới biết, mới có ý kiến phản đối. Về mấy hàng cây không có gì không di chuyển đi nơi khác được mà lại phải chặt đi chỉ vì cái lợi tức thời”.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Cột tin quảng cáo